Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Phiên chất vấn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ trước những bức xúc của người dân

Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào chiều 15/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của UBTVQH trong các nghị quyết giám sát, kết luận có nhiều điểm sáng; nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên UBTVQH tiến hành giám sát lại các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH. Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát”.  

Phiên chất vấn cũng là cơ hội để cho các thành viên Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Điều này hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực để hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra cho cả nhiệm kỳ. Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy nội dung chất vấn bao quát gần hết các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành liên quan và có những nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội, tại các phiên họp của UBTVQH vẫn tiếp tục chất vấn.

“Đây là những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân, của cử tri”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận.  

Với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 đại biểu Quốc hội chất vấn, 3 lượt đại biểu tranh luận và hiện còn 12 đại biểu Quốc hội chưa được chất vấn, 2 đại biểu chưa được tranh luận. 

Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập để làm rõ những vấn đề đã nêu trong báo cáo. Tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề. Các Bộ trưởng đã dành thời gian quan tâm, chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách.  

“Thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân khách quan, chủ quan và đặc biệt nêu giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có đại biểu hỏi nội dung cũng dài, phần trả lời có nội dung chưa tập trung, nêu vấn đề nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.  

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn cho thấy bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của UBTVQH trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát, các kết luận chất vấn có nhiều điểm sáng, nhưng cũng còn nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục.  

“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của UBTVQH”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Đề ra những giải pháp tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Quốc hội, UBTVQH trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai các đề án cụ thể, hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công, đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực xây dựng. Hoàn thiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hỗ trợ cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển, cũng như các chính sách tháo gỡ cho việc kết nối giao thông. Chính sách phát triển bền vững, đồng bộ đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách cho phát triển khoa học và công nghệ…

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án. Chú trọng tính liên kết ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, kiên quyết có các giải pháp để triển khai đúng hạn các yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH. Cần có những giải pháp phù hợp trong việc bố trí vốn, tăng cường nguồn lực để triển khai các chính sách đã được ban hành.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Yêu cầu các địa phương kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Yêu cầu các địa phương kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu

Tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các Sở Công Thương, quản lý thị trường địa phương kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu trên địa bàn.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN