Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm. Đối với đoạn đường từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà đầu tư, và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án.
Việc điều chỉnh dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Đây là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư.
Như vậy, về trách nhiệm của Nhà nước, thì với 2.186 tỷ đồng đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, còn phần vốn của nhà đầu tư, hiện nay nhà đầu tư đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng.
Vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Nếu được khoản vốn tín dụng này, cùng với 2.186 tỷ đồng của Nhà nước và 3.000 tỷ đồng của nhà đầu tư bỏ ra, thì đến cuối 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTGT, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội bố trí 5.100 tỷ đồng. Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I/2020, sẽ khởi công cây cầu này. Riêng 2 đường vào cầu, thì từ nay đến tháng 12/2019, Bộ GTVT sẽ khởi công.
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa mở thầu. Lý do là cần bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỷ đồng thì phương án tài chính mới khả thi.
“Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời sẽ làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long bàn giao mặt bằng cho các đơn vị này sử dụng 932 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh nhất, sớm nhất có thể thông tuyến xuống được Cần Thơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trả lời việc thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh, theo Quyết định 07 của Thủ tướng đến 31/12/2019 toàn bộ các trạm trên toàn quốc phải thu phí tự động không dừng. Cách đây một tháng Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị chỉ đạo Bộ GTVT cùng các nhà đầu tư khân trương thực hiện việc này.
“Chúng ta thực hiện trong 2 năm, đến nay có 2 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ, các chủ đầu tư cũng có nhiều lựa chọn. Hàng tháng họp giao ban Bộ GTVT đều có văn bản nhắc các chủ đầu tư. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, hiện có một đơn vị quan ngại nhất là Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam, 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng nhưng thực hiện rất chậm.
“Chúng tôi đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn để báo cáo tình hình. Nếu tình hình không cải thiện để chậm thì trách nhiệm hoàn toàn của nhà đầu tư, đến 31/12 chúng tôi sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không áp dụng thu phí không dừng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.