Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 kết luận về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, chất vấn.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chuẩn bị 10 báo cáo, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực trong nghị quyết và kết luận. Trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã dành thời gian để thẩm tra và có các đánh giá cụ thể về các nội dung mà Chính phủ đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này. Các báo cáo đã được gửi trước đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trước khi phiên họp diễn ra.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ tình hình thực tế và qua những nhận định trong các báo cáo cho thấy, những nội dung trong nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri và nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì mới có thể tạo chuyển biến tích cực. Những tồn tại, hạn chế, các đề xuất, kiến nghị đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra sẽ là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn để làm rõ thêm các vấn đề.
Để phiên chất vấn đạt kết quả tốt, do thời lượng có hạn, chỉ diễn ra trong một ngày, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ cần trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề được chất vấn, không nêu lại nội dung đã được nêu rõ trong báo cáo, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Với tinh thần đó, mỗi lượt chất vấn sẽ có từ 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng như quy định, mỗi đại biểu Quốc hội có 1 phút để hỏi. Vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực nào thì Bộ trưởng thuộc lĩnh vực đó có trách nhiệm trực tiếp trả lời; người trả lời có tối đa 3 phút để trả lời chất vấn của mỗi đại biểu Quốc hội. Đại biểu được quyền tranh luận mỗi người không quá 2 lần và 1 lần tranh luận là 2 phút. Trong quá trình chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đến những vấn đề mà bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời sẽ được mời để báo cáo làm rõ thêm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, kinh nghiệm qua nhiều kỳ chất vấn của các đại biểu Quốc hội, kinh nghiệm trả lời của các Bộ trưởng, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, phiên chất vấn lần này tiếp tục diễn ra sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.