Tìm kiếm nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện BOT
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai nghị quyết nêu trên.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng vẫn còn một số mặt chưa đạt được như: Từ năm 2018 đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương không triển khai được các dự án mới thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng BOT, chủ yếu chú trọng tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, giải quyết những tồn tại, hạn chế, rà soát quá trình chuẩn bị, thực hiện và khai thác các dự án BOT đã và đang triển khai thực hiện, chỉ có số ít những dự án được chuẩn bị đầu tư từ sau Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH (8 dự án đầu tư một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương đa phần tập trung vào các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT).
Bên cạnh đó, việc ban hành một số văn bản pháp luật về việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT còn chậm dẫn đến chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu của thực tiễn triển khai các dự án BOT.
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị, nhưng nhiều tồn tại của các dự án BOT đã đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 vẫn chưa giải quyết triệt để, khiến dư luận tiếp tục bức xúc như về mức phí, vị trí trạm thu phí, thông tin dự án... Hiện nay, hoạt động thu phí tự động không dừng từ năm 2019 đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước theo Nghị quyết Quốc hội vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành.
Về quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để sớm tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 5 quy hoạch ngành quốc gia bao gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2020 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 995/QĐ-TTg nêu trên.
Ngoài ra, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng các Đề án tăng cường kết nối giao thông trong một số khu vực trọng điểm, các Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các hạ tầng giao thông trọng yếu hoàn thành trong năm 2019.
Lập danh mục các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên đầu tư
Trong quá trình xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia và các Đề án nêu trên, Bộ GTVT sẽ tổ chức đánh giá tổng thể lại thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của mỗi lĩnh vực và rà soát, đánh giá các quy hoạch đã phê duyệt trước đây.
Hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 về cơ bản đã được giao hết cho các bộ, ngành và địa phương. Việc lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư sẽ được thực hiện sớm cho kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ nhận định trong giai đoạn này khả năng nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư phát triển nói chung, trong đó nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số tồn tại của các giai đoạn trước có thể sẽ còn tiếp tục phải xử lý ở giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, việc cân đối, sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước cũng như nguồn lực ngoài ngân sách cần có trọng tâm, trọng điểm, phân bổ hợp lý nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác các dự án.
Đầu tháng 5/2019, triển khai Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trên website của Bộ GTVT.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ dự kiến định hướng đối với công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
Tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách (bao gồm cả vốn đầu tư nước ngoài), tận dụng tối đa cơ hội sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi cho các dự án hạ tầng giao thông. Trên cơ sở rà soát hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia và các đề án về tăng cường kết nối giao thông trong các khu vực để xác định danh mục, thứ tự ưu tiên đầu tư của các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm có tính kết nối, lan toả cao hoặc công trình, dự án nâng cao được hiệu quả khai thác của các hạ tầng trọng yếu đã đầu tư tại mỗi khu vực.
Sau khi có chủ trương của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT lựa chọn danh mục các dự án cần ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết, liên thông trong cả quy hoạch hệ thống giao thông.
Dừng 14 dự án BOT trên đường hiện hữu
Sau khi Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 được ban hành đã giải quyết triệt để tồn tại về tiêu chí và chủ trương đầu tư đối các dự án BOT đầu tư mới. Đối với các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã dừng 14 dự án BOT có tiêu chí trên đường hiện hữu.
Trong đó có 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai; dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đối với các dự án BOT đang triển khai do UBND các tỉnh, thành phố quản lý, các địa phương đang lúng túng, gặp phải khó khăn trong quá trình triển khai về phạm vi điều chỉnh, xử lý bổ sung một số hạng mục địa phương kiến nghị đối với các dự án đang khai thác.
Việc dừng các dự án nâng cấp, cải tạo theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường hiện hữu đang được Bộ GTVT thực hiện quyết liệt.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định dừng thực hiện của Bộ GTVT, các địa phương có tuyến đi qua liên tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước để đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư công do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng tới việc lưu thông của người dân.
Do nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hạn chế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước và đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018. Đối với một số dự án khác, khi chưa có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước có thể sẽ gây bức xúc trong xã hội.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong dự thảo Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, các bộ, ngành đang nghiên cứu quy định về đầu tư nâng cấp, cải tạo các dự án trên đường hiện hữu theo hướng không thu phí trực tiếp từ người sử dụng và Nhà nước thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ yêu cầu tại hợp đồng dự án.
Bên cạnh đó, công tác khảo sát lấy ý kiến của người dân, nhóm chịu tác động dự án cũng được yêu cầu chặt chẽ, đầy đủ hơn ngay từ bước nghiên cứu, lập dự án. Ngoài ra, công tác minh bạch thông tin và truyền thông để người dân biết rõ, hiểu đúng cũng cần được quan tâm vì mục tiêu đầu tư PPP là cho người dân, xã hội có công trình, dịch vụ công tốt hơn.