Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện nay kinh tế biển và khai thác hải sản của nước ta rất lớn. Cả nước có khoảng 95.500 tàu các loại, với chiều dài thân tàu từ 6 mét trở lên, ngoài ra số người tham gia nghề khai thác hải sản trên biển cũng rất lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện có 3 vấn đề đang đặt ra: Một là làm sao để người dân khai thác hải sản hiệu quả. Thứ 2 là làm sao vừa hỗ trợ ngư dân, vừa hỗ trợ kinh tế trên biển mà lại làm tốt công tác bảo vệ an ninh trên biển. Thứ 3 là, biển đông là vùng bị tổn thương rất lớn khi có thiên tai, là “rốn bão” trên biển nên việc giúp ngư dân phòng tránh thiên tai là nhiệm vụ quan trọng.
“Chính vì thế công tác ứng phó với thiên tai được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Thông qua các hoạt động từ quy hoạch, chiến lược, đề án… tăng cường hơn cơ sở vật chất cho ngư dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 930/QĐ-TTg tập trung tuyên truyền cho ngư dân và các hoạt động trên biển. Kèm theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thủy sản đến người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn cho ngư dân ở 28 tỉnh duyên hải để người dân vươn khơi bám biển được an toàn.
Về ứng phó thiên tai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Ba năm quan, trên biển Đông đã có 51 cơn bão và áp thấp, chúng ta tổ chức tuyên truyền cho ngư dân cách phòng tránh thiên tai. Đã có 2,1 triệu phương tiện và 9,5 triệu người đã được di dời phòng tránh bão đảm bảo an toàn khi hoạt động trển biển. Chúng ta làm khá đồng bộ giữa các cơ quan trung ương, các nghiệp đoàn, ngư dân”.
“Điều này chứng minh chúng ta đã làm khá đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, nghiệp đoàn và người dân. Chúng ta cũng tập trung tuyên truyền để bảo đảm liên kết hình thành các nghiệp đoàn. Lênh đênh trên biển, xác suất nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao, rất cần sự liên kết”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tại Khánh Hoà và một số tỉnh có nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân rất tốt. Ví như Công ty Vĩnh Hưng liên kết chặt chẽ với 150 tàu khai thác cá đại dương hình thành nghiệp đoàn các ngư dân cùng với doanh nghiệp. Công ty này trả sản phẩm trên 10% so với bình thường, hỗ trợ lẫn nhau…
“Về trang thiết bị, hiện ở trên bờ với 82 cảng cá, 58 khu neo đậu, chúng ta từng bước nâng cấp. Theo Luật Thuỷ sản, tàu lớn nhất là 24m trở lên đã lắp đặt các trang thiết bị hành trình giám sát. Tàu trên 15m đến dưới 24m, tới đây chúng ta sẽ trang bị toàn bộ. Chúng ta đồng bộ triển khai theo tinh thần Luật Thuỷ sản để cố gắng làm sao, với nghề kinh tế biển rất tiềm năng nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro. Chúng ta cũng đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp để sớm khắc phục vấn đề đại biểu đặt ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng, trình Trung ương ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin kịp thời, đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, hơn 100 Quyết định về triển khai chủ trương chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh biển, đảo; nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025.