Khó khăn trong tạo nguồn
Nguồn phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, miền núi chủ yếu là lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, lực lượng này đang “vắng bóng” dần khiến công tác phát triển đảng viên của nhiều chi bộ, đảng bộ gặp khó khăn, thậm chí "bế tắc" dẫn đến tình trạng có chi bộ khu vực nông thôn, miền núi nhiều năm không kết nạp được đảng viên.
Đảng bộ xã Thu Ngạc (huyện Tân Sơn) hiện có 326 đảng viên, sinh hoạt ở 20 chi bộ, trong đó có 8 đảng viên dự bị và 25 đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng do tuổi cao. Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Việt cho biết, chỉ tiêu giao kết nạp đảng viên mới trong năm 2023 của Đảng bộ là 8 đảng viên song hiện rất khó khăn khi tìm nguồn.
Xã Thu Ngạc có hơn 6 nghìn dân, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 48%, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đa số thanh niên trên địa bàn xã đều đi làm ăn xa để phát triển kinh tế, nguồn kết nạp từ đối tượng này rất ít. Việc tạo nguồn từ các đoàn thể khác gặp khó khăn do nhiều người cao tuổi, nhận thức về Đảng còn hạn chế. Nhiều chi bộ trong Đảng bộ đã 4 - 5 năm không kết nạp được đảng viên mới như Chi bộ Còn 1, Chi bộ Sài...
Cùng thực trạng, hơn hai nhiệm kỳ qua, Chi bộ Dâu 2, Đảng bộ xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập chưa kết nạp được thêm đảng viên mới, trong khi đảng viên trong chi bộ ngày một già đi. Cả chi bộ hiện có 15 đảng viên, cơ bản là người cao tuổi. Mặc dù nhiều năm qua, chi bộ đã giao cho các đoàn thể ở khu tìm nguồn giới thiệu nhưng vẫn chưa tìm được bởi người nêu lý do bận đi làm ăn xa, người bận việc gia đình...
Bí thư Chi bộ Dâu 2 Nguyễn Văn Nên cho biết, vì lý do khách quan, hai nhiệm kỳ gần đây, chỉ tiêu về phát triển đảng viên mới đều không đạt do thiếu nguồn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Chi bộ phấn đấu trong nhiệm kỳ này kết nạp được một đảng viên, nhưng khó có thể đạt được.
Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy Nguyễn Minh Tường cho biết, khó khăn trong tạo nguồn để kết nạp đảng viên mới là thực trạng chung của đa số các chi bộ khu vực nông thôn, miền núi. Từ nhiều năm nay, nguồn phát triển đảng viên trẻ ở các xã vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên trong khối đơn vị hành chính sự nghiệp. Trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, giúp đỡ phát triển Đảng không nhiều, bởi một số sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường Đại học, Cao đẳng, đi học nghề hoặc đi làm xa. Trong khi đó, đối tượng là trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn rất khó khăn bởi quần chúng tích cực phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng thiếu tiêu chí về trình độ văn hóa hoặc vi phạm chính sách dân số… Do đó, các Đảng bộ gặp khó trong công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn, miền núi, dẫn đến việc ‘tre già nhưng măng mọc chậm”.
Giải pháp gắn với thực tiễn địa phương
Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Để giúp “măng” mọc trước khi “tre” già, các cấp ủy Đảng ở Phú Thọ đang thực hiện nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn địa phương.
Phó Bí thư Huyện ủy Tân Sơn Vũ Tiến Bắc cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở Đảng thường xuyên rà soát, nắm chắc nguồn quần chúng ưu tú, phát hiện nhân tố điển hình tiêu biểu giới thiệu cho Đảng. Đặc biệt, địa phương định hướng trưởng các khu dân cư đều là đảng viên; mở nguồn kết nạp là những quần chúng ưu tú đang hoạt động bán chuyên trách, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, bộ đội xuất ngũ, sinh viên ra trường, công nhân trong cụm công nghiệp, học sinh lớp 12 ở các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn…
Các cấp ủy Đảng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo nguồn, lấy kết quả kết nạp đảng viên mới hằng năm làm tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm; nhắc nhở, phê bình các cấp ủy, tổ chức, người đứng đầu nếu kết quả kết nạp đảng viên mới đạt thấp. Ngoài ra, Huyện ủy chăm lo, củng cố và phát triển đảng viên ở các chi bộ có nhiều đảng viên cao tuổi hoặc có độ tuổi trung bình cao tránh nguy cơ “tái trắng”, “già hóa” đảng viên.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Đình Thi cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động quan trọng với nhiều giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” tạo nguồn phát triển đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng, rèn luyện, giới thiệu cho chi bộ xem xét, kết nạp vào Đảng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho quần chúng về ý nghĩa, tiêu chuẩn, điều kiện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng; chủ động rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng là quần chúng ưu tú để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên theo phương châm “ở đâu có dân, ở đó có đảng viên”.
Cùng với đó là tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội khác. Các cấp ủy phải đưa kết quả kết nạp đảng viên làm tiêu chí để đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hằng năm; đồng thời, coi trọng việc sơ kết rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, yếu kém; quan tâm nguồn kết nạp đảng là công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công chức, viên chức, học sinh, đoàn viên, hội viên, nhất là công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng, linh hoạt trong việc bố trí lớp đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản của Đảng. Tuyệt đối tránh tình trạng quần chúng ưu tú, đủ điều kiện muốn phấn đấu vào Đảng nhưng không có điều kiện tham gia học lớp đối tượng Đảng hoặc đảng viên trong thời gian dự bị không được tham gia lớp đảng viên mới trước khi xét duyệt đảng chính thức, nhất là đối tượng đang làm việc trong doanh nghiệp…
Với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt theo phương châm “rễ sâu, gốc bền”, gắn chặt với đặc điểm, tình hình thực tiễn địa phương như hiện nay, công tác phát triển đảng khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn thời gian tới.