Các địa phương đề ra kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017

Ngày 12/12, Tỉnh ủy Yên Bái hội nghị Ban chấp hành lần thứ 11 (mở rộng), thảo luận chương trình làm việc của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chương trình kiểm tra, giám sát của tỉnh ủy năm 2017; dự toán ngân sách đảng; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017.

Tỉnh Yên Bái đề ra 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Trong đó, 4 chỉ tiêu được điều chỉnh tăng so với dự kiến đã được thông qua tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thường kỳ lần thứ 10, đó là các chỉ tiêu về: Tổng sản lượng lương thực có hạt; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; thu ngân sách nhà nước và tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. 

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 11 (mở rộng) cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến vào phương thức, giải pháp hoàn thiện và thực hiện đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2017 theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025. Tỉnh Yên Bái phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 11,6%. 

Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, cơ cấu ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, sản xuất, phân phối điện, nước, quản lý và xử lý rác thải… Năm 2016, Yên Bái có 31/31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực. 

Ngày 12/12, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.Trong năm 2017, tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu là: Đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng từ 7 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 34,1 triệu đồng; sản lượng lúa bình quân đạt trên 2 triệu tấn/năm; trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm 42,70%; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản 228.000 tấn; có 32,5% (26/80) xã trở lên hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 32,5% (26/80) xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 27.000 tỉ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2% - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer 3% - 4%/năm... 

Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Sóc Trăng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện trong năm 2017. Các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Sóc Trăng phát huy nội lực, huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Tỉnh cũng tăng cường công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; triển khai các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Sóc Trăng nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… 

Trong năm 2016, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, hạn, mặn... nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đã thực hiện đạt kết quả khá toàn diện với 15/24 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, 2 chỉ tiêu cơ bản đạt (trên 95%); tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2016 của tỉnh là 5,22%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,83 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được phục hồi sau ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, sản lượng lúa đạt 2,12 triệu tấn, vẫn vượt chỉ tiêu Nghị quyết; mô hình cánh đồng lớn, diện tích lúa đặc sản được mở rộng; thu ngân sách đạt 140% so với dự toán; giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hoá, tổng mức bán lẻ hàng hoá đều tăng; thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển; môi trường kinh doanh được cải thiện; cải cách hành chính được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cơ bản được nâng lên…
Hữu Dư - Trung Hiếu (TTXVN)
Yên Bái triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS
Yên Bái triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS

Tỉnh Yên Bái hiện có 4.036 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, chiếm tỷ lệ 0,50% dân số. Điều đó cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Yên Bái đã có chuyển biến tích cực, về cơ bản tỉnh đã kiểm soát được tình trạng gia tăng những người nhiễm HIV trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN