Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã có nhiều chủ động, nỗ lực trong việc ứng phó, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Nhờ đó, tình hình thiếu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn cơ bản đã được giải quyết ổn định.
Với mục tiêu không để người dân trên địa bàn tỉnh phải thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục quan tâm đến vấn đề cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
"Nơi nào người dân bị thiếu nước sinh hoạt phải chủ động có giải pháp để giải quyết ngay; trường hợp không giải quyết được, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, tháo gỡ", Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.
Riêng đối với các danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đang triển khai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng để giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân tại các địa phương.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, tính đến ngày 22/4, trên địa bàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, có 12.500 hộ dân với hơn 42.200 nhân khẩu đã thiếu nước sinh hoạt và 20.599 hộ với 57.000 nhân khẩu có nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới nếu thời tiết không có mưa.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại các vùng nông thôn là do địa phương còn thiếu các công trình cấp nước sạch.
Đến năm 2024, khu vực nông thôn toàn tỉnh có 66 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 112.550 m3/ngày đêm, cung cấp nước máy cho 118.596 hộ (khoảng 483.000 người), chiếm tỷ lệ 60% dân số nông thôn. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 8 xã tương ứng với 79.000 hộ gia đình, chiếm 40% dân số nông thôn của toàn tỉnh chưa được đầu tư công trình cấp nước, người dân sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, một số công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt trên sông, suối để hoạt động sản xuất nước sạch như: Hàm Đức, Hàm Phú, Long Hải, Ngũ Phụng, Đức Bình bị thiếu hụt lượng nước thô phục vụ hoạt động.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương, đơn vị đã báo cáo các phương án chủ động ứng phó; giải pháp để điều tiết nguồn nước, đưa nước đến cho những vùng bị thiếu nước cục bộ khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tổ chức vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi để điều phối nguồn nước, trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt đáp ứng nhu cầu đăng ký sử dụng của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch khai thác tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối, trữ vào ao, bể chứa nước thô tại công trình; tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, giếng đào cấp nước thô cho các công trình cấp nước nhằm duy trì hoạt động sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị vận hành khai thác tối đa công suất thiết kế của các nhà máy nước phục vụ chống hạn, thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, nhân dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tận dụng các nguồn nước tại chỗ phục vụ cho các mục đích khác.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tại địa phương chủ động, linh hoạt trong việc tích trữ nước ngọt phục vụ cho mục đích sinh hoạt như: đào ao, đào giếng, khoan giếng, mua bồn trữ nước. Các địa phương tổ chức hỗ trợ, vận chuyển nước sinh hoạt đến từng cụm dân cư cấp cho các hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.