Tại huyện Sìn Hồ, thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở các xã Tả Phìn, Phìn Hồ, Hồng Thu, Phăng Sô Lin. Điển hình là xã Hồng Thu, việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở đây chưa năm nào người dân hết lo, riêng nước sản xuất thì hầu như chỉ trông chờ vào nước mưa tự nhiên.
Bản Làng Sảng là một trong những bản của xã Hồng Thu bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Toàn bản có hơn 100 hộ dân với trên 600 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Anh Liều A Khua, người dân trong bản bộc bạch: "Từ đầu năm trên địa bàn không có mưa nên gia đình tôi bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng ngày hai vợ chồng phải đi lấy nước và mang quần áo đi giặt ở tận đầu thị trấn Sìn Hồ, cách nhà gần 5 km. Tôi chỉ mong sao sớm có nước sinh hoạt để bà con không vất vả như này nữa!".
Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng tới việc học tập, sinh hoạt của các cháu học sinh trên địa bàn xã Hồng Thu.
Cô giáo Trần Thị Bích Thùy, giáo viên tại Điểm trường mầm non Làng Sảng chia sẻ, điểm trường là điểm bản vùng cao với hơn 70 cháu học sinh từ 2-5 tuổi. Do bản nằm ở cao không có nguồn nước nên chủ yếu sử dụng bằng nước mưa, rất thiếu thốn. Để khắc phục tình trạng này, hàng ngày giáo viên cùng với phụ huynh mang nước từ nhà đến trường để cho các cháu uống. Còn với nước đun nấu, các giáo viên phải sử dụng rất tiết kiệm rồi tận dụng để tưới rau. Mong muốn của các giáo viên điểm trường là được các cấp chính quyền địa phương sớm quan tâm đầu tư dự án nước sạch hoặc giếng khoan để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Chủ tịch UBND xã Hồng Thu Thào A Sênh cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn xã diễn ra quanh năm. Xã có 11 bản, nhưng 9 bản bị thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu trông chờ vào nước mưa. Địa phương kiến nghị các cấp ngành của tỉnh quan tâm, sớm đầu tư công trình nước sinh hoạt để bà con có nước uống, nước sản xuất và yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hàng năm huyện Sìn Hồ đã dành nguồn lực nhất định để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đến nay, huyện có 110 công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động tốt.
Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho hay, do vị trí địa lý của huyện ở vùng khá cao nên bước vào mùa khô hàng năm, một số bản trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất. Trước khó khăn này, huyện chỉ đạo các thôn, bản được giao quản lý công trình cấp nước cần kiểm tra, rà soát để tu sửa.
Đồng thời, tuyên truyền bà con sử dụng tiết kiệm nước, đầu tư vật dụng tích trữ nước để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho gia đình trong mùa khô hạn kéo dài. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước trên cơ sở nguồn lực của huyện và xã hội hóa. Huyện cũng đã kiến nghị cấp trên quan tâm, bố trí nguồn vốn cho huyện để đầu tư hệ thống nước sinh hoạt cho người dân.
Tương tự, tại bản Nà Dân (xã Mường Kim, huyện Than Uyên), những ngày qua, người dân địa phương cũng trong tình trạng khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Bà Hoàng Thị La, người dân trong bản chia sẻ: "Hàng ngày gia đình tôi phải đi 2km mới xin được nước về dùng. Nhiều lúc đi làm về mệt mà không có nước sinh hoạt, bà con khổ lắm!".
Còn tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng mỗi khi mùa khô đến. Trong thời tiết nắng nóng hơn 30 độ C, người dân bản Cô Lô Hồ (xã Tà Tổng) phải ra đầu bản, nơi có nguồn nước chảy rất nhỏ để đợi lấy nước về sinh hoạt.
Chị Vàng Thị Máy, bản Cô Lô Hồ bày tỏ, để có nước sinh hoạt, hàng ngày gia đình chị phải đi lấy nước sinh hoạt ở tận đầu bản, cách xa nhà nên rất vất vả. Chị mong muốn công trình nước sớm được đầu tư, đưa vào sử dụng để người dân không phải vất vả mỗi lần đi lấy nước.
Theo người dân bản Cô Lô Hồ, hàng năm chỉ có 3 tháng mùa mưa là người dân có nước dùng thoải mái. Còn lại những tháng khô hanh, các hộ dân phải đi chở từng can nước ở dưới khe về dùng. Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt thường xuyên do bà con sống ở khu vực trên cao so với nguồn nước, khiến việc dẫn nước từ vùng thấp lên vùng cao rất khó khăn. Điều mong mỏi, ước ao lớn nhất của người dân nơi đây là có đủ nước sinh hoạt hàng ngày để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trược tình trạng nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 1189/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các cơ quan chức năng cần chủ động, kịp thời tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước; phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, thiếu nước; đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cần đưa ra các biện pháp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; trong đó, cần ưu tiên cấp nước cho các vùng khó khăn về nước sinh hoạt; các cánh đồng tập trung. Đồng thời, theo dõi, điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng vụ Xuân Hè cho phù hợp, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước (nếu có) trên địa bàn tỉnh, đề xuất nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán tại các huyện, thành phố theo quy định.
Những năm qua, các xã trên địa bàn tỉnh bị tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã nhận được hỗ trợ từ chương trình, chính sách của Nhà nước về cấp téc nước, xây dựng các công trình cấp nước. Mặc dù vậy, với tình trạng mưa ít, mùa khô diễn ra dài nên người dân ở nhiều nơi vẫn không đủ nước để sinh hoạt hàng ngày. Nguyện vọng của người dân là sớm được các cấp ngành quan tâm đầu tư thêm các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt để ổn định đời sống và phục vụ sản xuất.