Cây sơn tra trước đây sống tự nhiên, tập trung nhiều trên những cánh rừng ở những khu vực núi cao của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Nhằm tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại 2 huyện thuộc diện nghèo nhất nước này, tỉnh Yên Bái đã xác định và lựa chọn cây sơn tra là một loại cây trồng mũi nhọn trong sản xuất nông - lâm nghiệp của hai huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này. Đề án Phát triển cây sơn tra - một loại cây trồng có giá trị và phù hợp ở vùng cao Yên Bái đang chứng minh tính hiệu quả của mình.
Người dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu thu hoạch quả sơn tra. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN |
Cây sơn tra đã được đưa vào trồng hỗn giao trong rừng phòng hộ và đã bắt đầu cho thu hoạch quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Từ đó, loại cây này được người dân quan tâm trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển. Ngoài khả năng phòng hộ, hạn chế cháy rừng, loại cây trồng này còn mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành cây trồng mở hướng mới trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Với giá bán tại vườn từ 7.000-12.000 đồng/kg, một héc ta sơn tra khi đã cho trái ổn định có thể mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ trồng cây sơn tra, hàng nghìn hộ gia đình tại các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của Trạm Tấu và Mù Cang Chải như: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, Cao Phạ, Bản Công, Bản Mù, Phình Hồ, Tà Xi Láng... đã thoát được nghèo, có nguồn thu nhập và cuộc sống ổn định.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có hơn 3.800 ha sơn tra. Riêng trên địa bàn huyện Trạm Tấu có hơn 2.400 ha, trong đó, hơn 300 ha đã cho thu hái với sản lượng 300 - 500 tấn/năm, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ một loại cây mọc tự nhiên ở các triền núi, giờ đây cây sơn tra đã trở thành một loại cây trồng chính, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc 2 huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái.
Thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với đa phần là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Hiện cả thôn có 64 hộ gia đình nhận khoán rừng tự nhiên phòng hộ, trong đó được phép thu hái quả sơn tra trong phần rừng nhận khoán với tổng diện tích gần 154 ha. Ngoài việc thu hái tự nhiên, các hộ dân trong thôn cũng đang tiến hành trồng bổ sung, trồng xen cây sơn tra để làm giàu rừng, vừa giữ rừng, vừa tạo nguồn thu bền vững cho tương lai.
Từ khi được giao khoán rừng và tham gia đề án phát triển cây sơn tra, cuộc sống của các hộ dân trong thôn Suối Giao đã thay đổi hoàn toàn. Không còn hộ đói, nhiều gia đình trong thôn đang vươn lên thoát nghèo. Ông Thào A Chểnh, Trưởng thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi trồng cây sơn tra đã giúp người dân ở đây phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống rất nhiều. Nhiều gia đình trong thôn đã mua sắm được ti vi, bàn ghế và nhiều đồ dùng có giá trị.
Nhà ông Thào A Chểnh có 5 nhân khẩu, cũng được nhận khoán hơn 3 ha rừng. Gia đình ông Chểnh cũng đang tiến hành trồng mới cây sơn tra theo kế hoạch phát triển cây sơn tra của huyện Trạm Tấu. Hiện tại, hơn 1 ha rừng có sơn tra nhà ông Chểnh đã cho thu hoạch quả, mỗi năm cho thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng. Ông Chểnh tính toán, mùa thu hoạch, mỗi ngày chỉ cần thu hái rồi chở 1 tạ quả sơn tra ra chợ huyện bán đã có gần 1 triệu đồng. Số tiền đó tích góp cùng với tiền bán lúa, bán ngô để ổn định cuộc sống, sản xuất, nuôi con cái học hành và mua sắm vật dụng trong nhà. Cây sơn tra chính là cây xóa đói giảm nghèo của người Mông ở đây.
Ông Lại Văn Quang, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia đề án phát triển cây sơn tra đều được nhận hỗ trợ về cây giống, nhân công trồng, chăm sóc rừng trồng bổ sung bằng cây sơn tra và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây sơn tra cho quả; được hưởng tiền công bảo vệ rừng theo quy định; được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm giàu rừng... Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao của Yên Bái như Trạm Tấu hay Mù Cang Chải đang tốt dần lên, có cơ hội để thoát khỏi đói nghèo.
Tiềm năng phát triển cây sơn tra trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái rất lớn. Sơn tra có thể trồng mới trên đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất; có thể trồng bổ sung đối với diện tích rừng phòng hộ chất lượng thấp; trồng theo mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc để làm giảm xói mòn, rửa trôi… Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân tại vùng cao, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, cây sơn tra đã được tỉnh Yên Bái quan tâm đầu tư trồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và bước đầu đã hình thành vùng trồng sơn tra tương đối tập trung tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Ngành nông nghiệp Yên Bái đã xây dựng Đề án Phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao này trong giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu trồng mới 6.200 ha sơn tra để đến năm 2020 diện tích cây sơn tra toàn tỉnh này đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 7.500 tấn. Đề án thành công sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao vốn chủ yếu sống dựa vào kinh tế nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.