Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầu năm là 17%, trong đó cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và ngành hàng ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, năm 2018, NHNN đã điều hành đồng bộ linh hoạt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiện tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức thấp bình quân 1,48% so với năm 2017, góp phần kiểm soát lạm phát kiểm soát chung 3,54%. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, lạm phát được kiểm soát ở dưới 4%.
“Mặt bằng lãi suất trong năm qua được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất ngân hàng quốc tế gia tăng; NHNN điều tiết kịp thời nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý, điều chỉnh giảm lãi suất chào mua, thị trường mở từ 5% xuống 4,75% để hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn. Từ đó duy trì mặt bằng lãi suất của TCTD ổn định, trong đó lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 9-11%/năm. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối”, ông Hà nói.
Báo cáo của NHNN cho hay: Công tác tái cơ cấu hệ thống và xử lý hệ thống được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 14%, tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh, cụ thể: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cuối năm 2018 tăng 8,88%, trong đó, dư nợ đối với một số sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: lúa gạo tăng 25%, thủy sản tăng 14,1%, cà phê tăng 13,65%,...
Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng cuối năm 2018 tăng 12,1% , trong đó tín dụng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất (16%) trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế với mức tăng 13,2%.
Đối với ngành thương mại, dịch vụ, tín dụng tăng 15,9% so với năm 2017, trong đó, dư nợ ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (là ngành có tỷ trọng dư nợ lớn, chiếm 34% tổng dư nợ ngành thương mại và dịch vụ) có tốc độ tăng là 26%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, đặc biệt đối với các lĩnh vực có tỷ trọng dư nợ cao trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế: Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 15,5%, chiếm gần 24% dư nợ tín dụng nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,5%, chiếm tỷ trọng 18% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 17%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 0,3%.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các TCTD quyết liệt triển khai như: Cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch có doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 45.000 tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 16.800 khách hàng đang có dư nợ; dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt gần 10.653 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 4.094 tỷ đồng với 14.232 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đạt 17.660 tỷ đồng.