Sau Bộ trưởng Tài chính, chiều ngày 16/11, Thống đốc HNN Lê Minh Hưng giải đáp các vấn đề liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ và hướng xử lý hoạt động của các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: TTXVN |
Đầu phiên chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã nâng mức dự trữ ngoại hối lên 46 tỷ USD. Tính riêng các tháng đầu năm 2017, NHNN đã mua được 7 tỷ USD. Ngay sau đó, Thống đốc nhận được 8 câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đặt câu hỏi đầu tiên cho Thống đốc Lê Minh Hưng, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) quan tâm tới lĩnh vực nợ xấu khi tỷ lệ nợ vẫn cao trong hệ thống: "Giải pháp của ngành khắc phục xử lý nợ xấu thời gian tới là gì"?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đặt câu hỏi về chính sách điều hành tiền tệ của NHNN ra sao để tăng trưởng tín dụng đạt 18% như mục tiêu đề ra. Nếu đẩy vốn bằng mọi cách có thể gây hiệu ứng ngược. "Giải pháp để tăng trưởng GDP 6,7%, tín dụng tăng 18%, nhưng đảm bảo tính bền vững?", bà Tuyết nêu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết. Ảnh: TTXVN |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng và hữu ích để đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Nhờ đó, cán bộ ngân hàng cũng tự tin hơn khi xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 15/8, nhưng ngành đã rà soát chỉ đạo quyết liệt. Vấn đề vướng mắc về tài sản kê biên, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ làm việc với cơ quan chức năng.
Một số khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Ông Hưng thừa nhận việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo Thống đốc, năm 2017, tín dụng tăng trưởng phấn đấu đạt mục tiêu 18% và có điều chỉnh linh hoạt theo quy mô nền kinh tế. Tới cuối tháng 10, tín dụng đã tăng 13,66%, tăng 1% so với cùng kì năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến.
"Tăng tín dụng phải đi kèm với tăng chất lượng, hiệu quả tín dụng và phải đi vào sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu tín dụng 10 tháng đã chảy vào đúng các lĩnh vực ưu tiên: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến chế tạo, nông nghiệp... NHNN đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với hấp thụ vốn kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát", Thống đốc khẳng định.
Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến những giải pháp của ngành Ngân hàng để có thể huy động vàng, ngoại tệ trong dân, bởi nếu huy động được thì đây sẽ là nguồn lực lớn đưa vào sản xuất kinh doanh.