“Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát các diễn biến của nền kinh tế để điều hành tỷ lệ cung ứng vốn cho nền kinh tế bám sát chỉ tiêu định hướng đề ra”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói.
Lãnh đạo NHNN cũng bày tỏ quan điểm, việc điều hành của NHNN là không nhất thiết phải đạt được các chỉ tiêu nói trên bằng mọi giá, vì đó không phải chỉ tiêu pháp lệnh. Phía NHNN cũng luôn thận trọng và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán... Nhờ đó, dòng chảy tín dụng đã được nắn theo đúng xu hướng và chủ trương điều hành của NHNN, thể hiện ở tốc độ tăng tín dụng vào ngành bất động sản giảm dần qua các năm.
“Trong tổ chức điều hành chính sách tiền tệ hàng năm, NHNN đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu. Vì vậy, mấy năm vừa qua, lạm phát được kiểm soát gần như sát với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra”, bà Hồng chia sẻ.
Liên quan tới công tác điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với nền kinh tế có độ mở cao lên tới hơn 200% GDP như Việt Nam, thì tất cả biến động của thị trường quốc tế đều có thể tác động trực tiếp qua thị trường tiền tệ hay gián tiếp qua các kênh thương mại, đầu tư. Vì vậy, trong tổ chức điều hành, NHNN theo dõi rất sát các diễn biến, phản ứng kịp thời, phối hợp đồng bộ các công cụ để đưa ra chính sách phù hợp thời điểm, trong đó luôn nhấn mạnh yếu tố kiểm soát lạm phát để nâng cao vị thế VND, chống đô la hóa.
Trong quý 4/2018, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 5,83% (cao hơn so với mức tăng thực tế và mức kỳ vọng của cùng kỳ năm 2017) và tăng 15,34% trong cả năm 2018 (cao hơn mức tăng thực tế 14,98%, nhưng thấp hơn mức kỳ vọng 16% của năm 2017).
Các TCTD kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước, mặt bằng lãi suất giữ ổn định, huy động vốn đến cuối năm nay tăng trưởng cao hơn so với cuối năm 2017, là những nội dung chính trong báo báo trên.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do NHNN Việt Nam (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành vào tháng 9/2018, hầu hết các TCTD đánh giá trong quý III/2018 các nhân tố khách quan và chủ quan tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ cải thiện chậm lại so với quý trước.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.
Dự kiến đến cuối năm 2018, 88,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017, 5,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận “không đổi” và 6,4% TCTD lo ngại lợi nhuận “suy giảm”, với lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 18,63% trong năm 2018, thấp hơn so với mức kỳ vọng 19,05% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2018 nhưng cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 13,63% của các TCTD tại cuộc điều tra cùng kỳ năm 2017.
Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng tiếp tục được nhận định tích cực trong Quý III/2018 với nhu cầu vay vốn được 49,5% TCTD lựa chọn mức “cao”, tiếp đến là nhu cầu thanh toán và thẻ (38,1% TCTD lựa chọn mức “cao”) và nhu cầu gửi tiền (33% TCTD lựa chọn mức “cao”), quý trước tương ứng là 51,1% - 35,4% -36,9%. Dự kiến tổng thể năm 2018 so với năm 2017, kết quả điều tra kỳ này cho thấy các TCTD kỳ vọng sản phẩm thu hút được nhiều khách hàng nhất là vay vốn, tiếp đến là nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán và thẻ, sau đó là nhu cầu gửi tiền với các tỷ lệ TCTD dự kiến “tăng” tương ứng là 69,2% - 57,5% - 57%.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối Quý III/2018 tiếp tục ở trạng thái “tốt” đối với cả VNĐ và ngoại tệ. Dự báo trong quý tới và cả năm 2018, đa số các TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ.