Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 1,05 USD (1,3%) lên 80,99 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 72 xu Mỹ (1%) lên 74,11 USD/thùng.
Theo các nhà quan sát, giá dầu nhận được lực đẩy từ triển vọng phục hồi của Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Tuy nhiên, giá dầu cũng gặp một số yếu tố bất lợi. Báo cáo cho thấy số lượng việc làm tạo mới tại Mỹ tăng mạnh, đã cũng cố đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất nữa. Điều này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu WTI và Brent đã giảm 3% trong phiên cuối tuần trước sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm.
Bên cạnh đó, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần so với đồng euro. Đồng bạc xanh mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng được định giá bằng USD như dầu.
Ngoài ra, thị trường dầu còn chịu ảnh hưởng khi hoạt động tại kho cảng dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ceyhan tạm dừng sau một trận động đất lớn và chính sách áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2.