Trong phiên chiều 6/2, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn có lúc tăng 32 xu Mỹ (0,4%) lên 80,26 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 22 xu Mỹ (0,3%) lên 73,61 USD/thùng.
Trong phiên 3/2, giá cả hai mặt hàng trên đều giảm 3% sau khi số liệu khả quan về thị trường việc làm Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, qua đó thúc đẩy đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu đối với các loại hàng hóa định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ.
Trong khi mối lo ngại về suy thoái kinh tế chi phối thị trường vào tuần trước, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhấn mạnh đà phục hồi của Trung Quốc vẫn là động lực chính cho giá dầu.
IEA dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Theo ông Birol, tùy vào mức độ phục hồi, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể phải đánh giá lại quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến năm 2023.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết lãi suất cao hơn đang cản giá dầu tăng cao hơn, khi chính sách lãi suất kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng nhu cầu nhiên liệu.
Suvro Sakar, nhà phân tích tại ngân hàng DBS Bank, nhận định những lo ngại về chu kỳ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn vẫn là lực cản chính đối với giá dầu sau khi giảm hơn 7% vào tuần trước.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định thị trường đang kỳ vọng các nước ngoài EU sẽ tăng nhập khẩu dầu thô từ Nga. Động thái sẽ làm giảm bớt tình trạng gián đoạn nguồn cung tổng thể. Tuy nhiên, việc OPEC tiếp tục hạn chế nguồn cung sẽ khiến thị trường thắt chặt.