Phát biểu “dịu giọng” hơn của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 7/2 đã giúp thúc đẩy các tài sản rủi ro và gây sức ép lên đồng USD. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ loại tiền tệ khác.
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,40 USD (1,7%) lên 85,09 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,33 USD (1,7%) lên 78,47 USD/thùng.
Các nhà đầu tư hy vọng việc Mỹ giảm tốc chương trình tăng lãi suất sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được suy giảm kinh tế hoặc thậm chí suy thoái, vốn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Trong khi đó, việc Trung Quốc chấm dứt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 cũng là nhân tố hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho rằng nhu cầu dầu tăng cao hơn trong khi tăng trưởng nguồn cung toàn cầu yếu sẽ đảm bảo sự cân bằng trên thị trường dầu sẽ được củng cố trong những tháng tới.
Về nguồn cung, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tuần trước đã quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng. Một quan chức Iran ngày 8/2 cho biết liên minh này có thể sẽ tuân thủ chính sách hiện nay tại cuộc họp tiếp theo.
Trong khi đó, số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của Mỹ trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Theo EIA, dự trữ dầu thô trong tuần kết thúc vào ngày 3/2 tăng 2,4 triệu thùng lên 455,1 triệu thùng.