Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chờ đợi số liệu về lượng hàng tồn kho để có tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng nhu cầu.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 17 xu (0,2%) lên 83,86 USD/thùng, sau khi tăng 3,3% trong phiên trước đó; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 31 xu (0,4%) lên 77,45 USD/thùng, sau khi tăng 4,1% trong phiên trước.
Giá dầu nhận được hỗ trợ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell “mềm giọng” về chính sách lãi suất hơn so với dự kiến của thị trường.
Yeap Jun Rong, nhà phân tích thị trường của IG cho biết, lòng tin đã được cải thiện sau những bình luận của Chủ tịch Powell. Bên cạnh đó, sự yếu đi của USD cũng hỗ trợ giá dầu.
Theo chuyên gia Yeap, bất kỳ sự phục hồi liên tục nào của đồng USD vẫn có thể gây trở ngại cho giá dầu.
Trong phiên 8/2, chỉ số USD kéo dài đà giảm sau bình luận của ông Powell, khiến dầu rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Với việc Fed giảm tốc chương trình tăng lãi suất, thị trường đang hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới và người tiêu dùng dầu mỏ có thể tránh được sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế hay thậm chí là suy thoái kinh tế và tránh được sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ.
Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao của Westpac, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong một thị trường cân bằng hợp lý và nếu các nước đang phát triển tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, giá dầu mỏ sẽ ổn định hơn và OPEC sẽ phải tăng sản lượng.
Theo ước tính của Viện Xăng Dầu Mỹ, dự trữ dầu thô đã giảm khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/2, trái ngược với dự kiến tăng 2,5 triệu thùng của các nhà phân tích trước đó.
Hiện thị trường đang chờ đợi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu chính thức.