Giá dầu thế giới giảm do lo ngại ảnh hưởng của bão Beryl

Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên ngày 8/7 xuống mức thấp nhất một tuần qua, khi bão Beryl khiến các cảng và nhà máy lọc dầu dọc theo Vịnh Mexico phải đóng cửa, và khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể xoa dịu lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Essen, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 79 xu Mỹ, tương đương 0,9%, xuống 85,75 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 83 xu Mỹ, hay 1,0%, xuống 82,33 USD/thùng.

Bão Beryl ập vào Texas với gió mạnh và mưa lớn khi đổ bộ vào đất liền. Các cảng dầu bị đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy và hơn 2,7 triệu hộ dân và doanh nghiệp bị mất điện. Texas là bang sản xuất dầu khí nhiều nhất của Mỹ.

Các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates cho biết một phần của đợt giảm giá phiên này là do các nhà đầu tư giảm bớt các lệnh phòng ngừa rủi ro được đặt trước khi Bão Beryl đổ bộ, vì các cơ sở dầu thô ở các khu vực bị ảnh hưởng chỉ bị thiệt hại tương đối nhỏ.

Trong khi đó, ở Trung Đông, các cuộc đàm phán về kế hoạch ngừng bắn nhằm chấm dứt tình hình xung đột kéo dài chín tháng ở Gaza đang được diễn ra với sự trung gian của Qatar và Ai Cập.

Các nhà phân tích của công ty dầu khí Ritterbusch and Associates cho biết thị trường dầu bắt đầu tuần với áp lực giảm giá đáng kể do sự lạc quan về triển vọng của lệnh ngừng bắn ở Gaza khi các cuộc đàm phán đang diễn ra có vẻ như đang đạt được tiến triển.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang theo dõi tác động của các cuộc bầu cử ở Anh, Pháp và Iran trong tuần qua đến tình hình địa chính trị và chính sách năng lượng.

Ở châu Á, nhập khẩu dầu thô giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do lượng nhập khẩu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, giảm.

Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, tiêu thụ nhiên liệu tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 19,99 triệu tấn trong tháng Sáu.

Còn tại Đức, xuất khẩu giảm mạnh hơn dự đoán trong tháng Năm do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)
S&P 500 và Nasdaq tiếp nối chuỗi phiên cao kỷ lục
S&P 500 và Nasdaq tiếp nối chuỗi phiên cao kỷ lục

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 8/7 với mức cao kỷ lục, khi các nhà đầu tư chờ đợi các dữ liệu mới về lạm phát, bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và thời điểm bắt đầu mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN