Trong phiên chiều 2/9, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 45 xu Mỹ, lên 46,03 USD/thùng, ghi dấu ngày tăng giá thứ ba liên tiếp. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 43 xu Mỹ, lên 43,19 USD/ounce, sau khi tăng 15 xu Mỹ vào phiên trước đó.
Báo cáo của Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/8 giảm 6.4 triệu thùng, xuống 501,2 triệu thùng, mạnh hơn mức giảm được các chuyên gia phân tích dự báo trước đó là 1,9 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng hạ 5,8 triệu thùng, mạnh hơn mức dự báo là giảm 3 triệu thùng.
Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và Trung Quốc cũng góp phần hỗ trợ thị trường năng lượng trong phiên này. Hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 8/2020 đã tăng lên mức cao nhất một năm rưỡi qua, nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng cao.
Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy Trung Quốc cũng tăng với nhịp độ cao nhất trong gần một thập kỷ trong tháng 8/2020, nhờ các đơn đặt hàng xuất khẩu gia tăng lần đầu tiên trong năm nay và các nhà chế tạo tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng mạnh hơn trên thị trường.
Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích cáp cao của Fujitomi Co, cho biết, việc nối lại hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Vịnh Mexico của Mỹ diễn ra chậm hơn dự kiến sau khi trải qua các trận bão lớn đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ nguồn cung bị thắt chặt, qua đó cũng góp phần nâng đỡ giá dầu.
Hiroyuki Kikukawa, phụ trách bộ phận nghiên cứu của Nissan Securities, nhận định rằng, chính những yếu tố trên đã kích thích nhu cầu mua vào dầu thô kỳ hạn.
Sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng trung bình khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2020. Đáng chú ý, Các Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất (UAE) bơm 2,693 triệu thùng/ngày trong tháng 8 này, vượt hạn ngạch mà OPEC và các nước đối tác đặt ra do thời tiết nóng và người dân nghỉ lễ tại nhà dẫn tới nhu cầu khí đồng hành cho phát điện tăng cao.