Vào lúc 13 giờ 35 phút ngày 1/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tại thị trường châu Á tăng 47 xu Mỹ (tương đương 1%) lên 45,75 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 43 xu Mỹ lên 43,04 USD/thùng.
Cả hai loại dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch 31/8 trước những quan ngại về tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu dầu thế giới thấp hơn so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Chỉ số đồng USD giảm 0,04% xuống còn 92,146 so với một giỏ gồm các đồng tiền chủ chốt khác, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước thông báo sự thay đổi chính sách về lạm phát.
Đồng USD giảm giá khiến giá dầu và các loại hàng hóa được niêm yết bằng đồng tiền này trở nên “hấp dẫn” hơn đối với các người mua trên toàn cầu.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường cao cấp Jeffrey Halley của OANDA, số liệu tích cực về hoạt động chế tạo của Trung Quốc cũng hỗ trợ giá dầu đi lên. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 8/2020 đã tăng mạnh nhất trong gần một thập kỷ qua nhờ số đơn hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo nhà phân tích thị trường cao cấp Jeffrey Halley của OANDA, những dự đoán về tiêu thụ dầu gia tăng nhờ sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc đã hỗ trợ niềm tin của giới đầu tư và giúp giá dầu Brent và WTI đều đi lên tại thị trường châu Á.
Tuy vậy, giới đầu tư cũng nhận định sự hồi phục chậm của nhu cầu nhiên liệu khi các nước tiếp tục phải nỗ lực ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo ANZ Research, tình hình trên khiến thời điểm nhu cầu nhiên liệu vận tải sẽ trở lại mức bình thường trở nên rất bất định.