Giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 10/2020 đã giảm 4 xu xuống 45,05 USD/thùng trước khi hết hạn vào thứ Sáu. Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 7 xu xuống 42,97 USD/thùng.
Nhìn chung, yếu tố chính ảnh hưởng tới diễn biến thị trường năng lượng tuần qua là hoạt động sản xuất dầu của Mỹ tiếp tục đối mặt với các cơn bão lớn.
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/8, giá dầu thế giới đi lên khi những cơn bão đổ vào Vịnh Mexico trước đó đã khiến hơn một nửa sản lượng dầu của khu vực này sụt giảm, và dự kiến sẽ có thêm thêm hai cơn bão nguy hiểm nữa xuất hiện vào cuối tuần này. Các công ty năng lượng đã cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày ở ngoài khơi Vịnh Mexico và sơ tán hơn 100 cơ sở sản xuất do mối đe dọa kép từ hai cơn bão nhiệt đới Marco và Laura.
Sang phiên 25/8, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, khi các nhà sản xuất dầu của Mỹ đóng cửa hầu hết các cơ sở khai thác ở ngoài khơi Vịnh Mexico trước khi bão Laura đổ bộ vào ngày 27/8. Giá dầu Brent phiên này tăng 1,6% lên 45,86 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng hơn 1,7% lên 43,35 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 5/3 của cả dầu Brent và WTI.
Các công ty khai thác dầu mỏ hôm 25/8 đã tạm ngừng hoạt động của 310 cơ sở khai thác dầu ngoài khơi và dừng khai thác 1,55 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 84% sản lượng dầu ngoài khơi của khu vực Vịnh Mexico.
Khép lại phiên 26/8, giá dầu WTI tiếp tục tăng nhẹ trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giảm 22 xu. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) đã nâng bão Laura lên siêu bão cấp 4 và đang di chuyển hướng về vùng duyên hải các bang miền Nam của nước Mỹ là Louisiana và Texas, khiến các chính quyền sở tại phải đưa ra cảnh báo "không thể sống sót" đồng thời ra lệnh sơ tán hàng trăm nghìn người dân sinh sống ven biển.
Nhưng trong phiên 27/8, hai loại dầu tiêu chuẩn đồng loạt đi xuống khi thị trường dự đoán hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Mỹ sẽ nhanh chóng phục hồi sau bão Laura. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Mười giảm 1,2% còn giá dầu WTI giảm 0,8%.
Với đà giảm kéo sang phiên ngày 28/8, tính chung trên cả tuần, cả hai loại dầu tiêu chuẩn trên đều ghi nhận mức tăng trung bình 1,5%. Trong đó, dầu WTI ghi dầu tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Cơn bão Laura đổ bộ vào bang Louisiana sáng sớm ngày 27/8 (theo giờ địa phương) đang dần suy yếu từ bão cấp 4 thành bão cấp 2. Theo Thống đốc bang Louisiana, ông John Bel Edwards, cơn bão được dự kiến cấp độ mạnh thứ hai trong thang báo bão của Mỹ này đã không gây ra những tổn thất “thảm khốc” như lo ngại trước đó. Các nhà máy lọc dầu cũng không phải chịu ngập lụt lớn do mưa bão gây ra.
Shell cho biết họ đang bắt đầu bố trí lại nhân sự cho tất cả cơ sở không bị ảnh hưởng bởi bão ở Vịnh Mexico. Valero Energy Corp bắt đầu khởi động lại nhà máy lọc dầu Port Arthur tại bang Texas với công suất 335.000 thùng/ngày vào thứ Sáu, trong khi Exxon Mobil chuẩn bị khởi động lại nhà máy lọc dầu ở Beaumont ở cùng bang với công suất 370.000 thùng/ngày.
Trong thời gian tới, giới quan sát nhận định nhu cầu về dầu vẫn trong vùng suy giảm. Một báo cáo mới của công ty môi giới đầu tư trên thị trường năng lượng PVM Oil Associates cho hay ngoài Saudi Arabia, đa số giới phân tích đều tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ không trở lại ngưỡng của năm 2019 cho đến ít nhất là năm 2022.
Công ty viện dẫn ước tính hàng tháng mới nhất từ bộ ba Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy lượng tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ không phục hồi về mức trước đại dịch trong năm tới.