Khoảng 14 giờ 17 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3 xu Mỹ (0,04%) lên 79,38 USD/thùng, sau khi giảm xuống dưới 80 USD/thùng lần thứ hai trong năm 2022 trong phiên giao dịch trước đó. Dầu thô Brent đã ghi nhận phiên giảm lớn nhất tính theo ngày kể từ cuối tháng 9/2022 hôm 6/12, giao dịch ở mức 62 USD/thùng trong năm nay.
Đồn đoán về nhu cầu của Trung Quốc tăng lên tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường trong bối cảnh Trung Quốc ghi nhận ít số ca mắc COVID-19 hơn trong ngày thứ hai liên tiếp, đồng thời thông báo những thay đổi sâu rộng trong chính sách phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt.
Cơ quan y tế quốc gia Trung Quốc ngày 7/12 cho biết, số ca mắc COVID-19 không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ có thể cách ly tại nhà, dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc chuẩn bị để người dân sống chung với dịch bệnh.
Nhà phân tích Leon Li tại CMC Markets cho hay Trung Quốc đã nhanh chóng nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch bệnh. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu.
Ngân hàng ANZ lưu ý Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giúp nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1%.
Số liệu đầu ngày 7/12 cho hay nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 11/2022 đã tăng 12% so với một năm trước lên mức cao nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh các công ty mua dầu giá rẻ để lắp đầy kho dự trữ và các nhà nhà máy mới đã khởi động.
Theo số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng giảm khoảng 6,4 triệu thùng, cũng giúp hỗ trợ niềm tin của thị trường.
Tuy nhiên, mức giá trần áp lên dầu Nga sẽ có tác động như thế nào đến nguồn cung cũng gây quan ngại. Tờ nhật báo Vedomosti ngày 7/12 cho biết, Nga đang cân nhắc ba lựa chọn, trong đó có việc cấm bán dầu cho một số nước và thiết lập mức ưu đãi tối đa cho những nơi nước này sẽ bán dầu của mình, để đối phó với mức giá trần do các cường quốc phương Tây áp đặt.
Giá dầu đã giảm hơn 1% trong ba phiên liên tiếp, xóa bỏ gần hết mức tăng đạt được trong năm nay.