Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1 xu Mỹ (tương đương 0,01%) xuống 86,87 USD/thùng vào lúc 14 giờ 31 phút (giờ Việt Nam) sau khi có lúc tăng lên mức 87,40 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 21 xu Mỹ (0,3%) xuống 81,01 USD/thùng. Trước đó, cùng phiên, loại dầu này đã có lúc chạm mức 81,63 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu tiêu chuẩn đều đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên sau ba tuần giảm liên tiếp.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay Chính phủ Trung Quốc sắp công bố nới lỏng các quy trình kiểm soát dịch COVID-19 trong những ngày tới và giảm yêu cầu xét nghiệm hàng loạt.
Tuy nhiên, hy vọng trên đã không thể đưa “vàng đen” tăng. Ngược lại, việc đồng USD rời khỏi mức thấp nhất trong 16 tuần so với rổ các loại tiền tệ chính đã tạo sức ép đi xuống cho dầu - loại hàng hóa được định giá theo đồng bạc xanh.
Một đồng USD mạnh sẽ khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà giao dịch nắm giữ các đồng tiền khác.
Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao cho hay Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời đồng ý về mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cùng với cơ chế điều chỉnh để giữ mức trần thấp hơn 5% so với giá thị trường.
Đơn vị nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America (BofA Global Research) cho biết trong một lưu ý rằng việc hạn chế giá dầu thô của Nga sẽ dẫn đến việc người mua phải trả nhiều tiền hơn cho dầu trên thị trường toàn cầu. Điều đó báo hiệu nguy cơ giá dầu sẽ lại tăng mạnh vào năm 2023.
BofA Global Research cho biết nếu Nga sản xuất ít dầu hơn đáng kể thì nước này có thể thúc đẩy giá dầu tăng mạnh. BofA giả định sản lượng dầu của Nga sẽ đạt tổng cộng 10 triệu thùng/ngày vào năm 2023, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra ước tính là 9,59 triệu thùng/ngày.