Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 49 xu Mỹ (0,6%) lên 86,06 USD/thùng vào lúc 14 giờ (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 51 xu Mỹ (0,6%) lên 80,49 USD/thùng.
Tại cuộc họp ở Vienna, Áo, ngày 4/12, Bộ trưởng các nước thành viên OPEC+ đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu, sau khi G7 đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait khẳng định các quyết định của OPEC+ đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này.
Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác quan ngại với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+, cùng với số liệu kinh tế còn yếu của Trung Quốc, có thể đảo ngược đà tăng giá dầu, nhà phân tích Leon Li tại trung tâm CMC Markets có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc hiện vẫn còn yếu, với xuất nhập khẩu giảm mạnh, phản ánh nhu cầu trong nước trì trệ và xu hướng suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới khiến việc thúc đẩy nhu cầu dầu thô là một khó khăn, thách thức. Với việc OPEC+ giữ nguyên sản lượng, nếu không có thêm các biện pháp cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể giảm trở lại, ông Li nói.
Hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu, đã bị ảnh hưởng trong năm nay trong bối cảnh nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19.