Thương lái Thái Lan lùng mua nhãn tím Việt, mỗi nhánh giá triệu bạc

Ông Trần Văn Huy (ngụ ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, nhiều ngày qua, thương lái lùng mua nhãn tím và ông đã bán được khoảng 100 - 200 nhánh với giá 1 triệu đồng/nhánh.

Ông Trần Văn Huy là người đầu tiên phát hiện ra nhãn tím. Ông cho biết, hiện nay vẫn còn rất nhiều người đặt mua giống nhãn tím nhưng chưa có giống bán.

Ông Trần Văn Huy với loại nhãn tím do ông phát hiện.

Đã mấy năm nay, người trồng cây ăn trái ở tỉnh Sóc Trăng cũng như ở nhiều nơi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất thích thú khi chứng kiến sự xuất hiện của loại nhãn tím, một loại nhãn độc đáo, hiếm có, khó tìm ở miệt vườn Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và có giá bán cao gấp 5 lần so với loại nhãn đặc sản ở địa phương.

Ông Trần Văn Huy cho biết, cách đây trên 15 năm, trong vườn nhãn rộng 3.000 m2 của gia đình ông với hàng trăm gốc long nhãn thì bỗng nhiên có một cây đâm ra một tược (nhánh) có hiện tượng khác thường khi phần đọt non có màu đỏ hồng, lá già dần có màu phơn phớt nâu, cành nhãn lúc còn non có màu tím thẫm. Khi ra hoa, nhánh nhãn này cũng cho vài chùm trái non có màu tím như trái nho.

“Thấy lạ, tôi cắt nhánh nhãn này mang đi trồng thử xem thế nào. Kết quả cây sinh trưởng tốt và cho ra những trái nhãn màu tím, rất đẹp. Sau lần đó, tôi chiết ra nhiều nhánh đem trồng quanh nhà, đến nay cũng được cả trăm gốc. Năm 2012, tôi thử mang loại nhãn tím này đi trưng bày tại Lễ hội sông nước miệt vườn diễn ra ở địa phương thì thật bất ngờ khi được nhiều người quan tâm và vô cùng thích thú bởi giống nhãn lạ này", ông Huy cho hay.

Từ sau lần đó, lần nào địa phương tổ chức lễ hội, ông Huy cũng mang nhãn của mình tham gia để mọi người cùng chiêm ngưỡng và thưởng thức dù giá của nhãn này cao gấp 5 lần giá các loại nhãn đặc sản ở địa phương. Hiện nay, ông có khoảng 100 cây đang cho trái, do đang tập trung chiết nhánh nên số lượng trái không nhiều, mỗi vụ chỉ được khoảng 400 - 500 kg, giá bán 100.000 đồng/kg.

Loại nhãn này giá gấp 5 lần nhãn bình thường.

Ông Hứa Văn Lến (người dân ở ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm) nhận xét: “Bà con chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy chú Bảy có giống nhãn lạ này. Về hình dạng, trái nhãn tím này cũng giống như trái long nhãn vì gốc mẹ của những cây nhãn tím này là gốc cây long nhãn, cơm nhãn cũng có màu trắng, hương vị cũng giống long nhãn, nhưng chỉ khác ở màu lá, màu trái… đều tím nên nhiều người tìm mua thưởng thức”.

Được đánh giá là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế, bởi trái được bán với giá cao nên cây nhãn tím đã tạo được sự quan tâm của nhiều người. Theo ông Bảy Huy, loại này trồng hạt rất khó, cây ghép thì chất lượng quả không như ý nên ông chủ yếu chiết cành, xác suất thành công lại ít, nên giá cây giống tương đối cao. Tuy vậy, trồng nhãn tím cho lợi nhuận cao, ít bệnh, không tốn nhiều phân bón, thuốc.

Trước thông tin nhãn tím hút hàng, nhiều người đã tìm về Phong Nẫm để lùng mua cây giống về trồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành chức năng khuyến cáo không nên vội vàng trồng ồ ạt loại cây trồng này vì khó đảm bảo khâu tiêu thụ về sau, tránh đầu tư hàng trăm triệu nhưng sau đó lại rơi vào cảnh “trồng – chặt” như nhiều loại cây khác trước đây.

Theo Dân trí
Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên lên các chuyến bay Vietnam Airlines
Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên lên các chuyến bay Vietnam Airlines

Vietnam Airlines đã thỏa thuận hợp tác với tỉnh Hưng Yên trong viêc phối hợp cung cấp, tiêu thụ nhãn lồng trên các chuyến bay của hãng. Thỏa thuận hợp tác diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN