Giao dịch 4 tháng đầu năm tăng trưởng 21,5%
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch hàng hóa trong tháng 4/2024 tăng 18,4% so với tháng 3/2024 và tăng 65% so với tháng 4/2023. Khối lượng giao dịch lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 tại MXV tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số MXV-Index đóng cửa tháng 4 tăng 2,6% lên mức 2.297 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 6.983 tỷ đồng/ngày. Trong đó, ngày 19/4 ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Mặc dù chỉ số chung không thay đổi nhiều, nhưng tháng 4 đã chứng kiến những biến động rất lớn đối với giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng. Giá cà phê Robusta trên Sở ICE tăng 21,9% lên mức kỷ lục 4.241 USD/tấn. Giá ca cao có thời điểm đạt 11.878 USD/tấn, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo thô trên Sở Chicago cũng tăng 15,5% lên 371 USD/tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Trong tháng 4, biến động trong phiên của giá hàng hóa rất lớn, nên hoạt động giao dịch diễn ra rất sôi động. Có những thời điểm, số lệnh chờ khớp tại thị trường Việt Nam tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Nhưng hoạt động giao dịch liên thông với thế giới vẫn diễn ra thông suốt, ổn định, không gặp bất kỳ sự cố nào”.
Đậu tương đang dẫn đầu xu thế giao dịch
Trong tháng 4, đậu tương là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 5,5% tổng khối lượng giao dịch. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, đậu tương soán ngôi dầu thô WTI và dầu thô WTI micro để trở thành mặt hàng thu hút nhà đầu tư nhất. Đây là điều tương đối bất ngờ, khi giá đậu tương trên Sở Chicago hầu như chỉ đi ngang trong tháng 4 vừa qua.
“Các nhà đầu tư có thể giao dịch cả 2 chiều mua và bán trên thị trường hàng hóa. Vì thế, khi giá đậu tương đi ngang với các khoảng dễ xác định, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua và bán liên tục. Lợi nhuận mang lại từ kiểu giao dịch này có thể còn lớn hơn so với việc nắm giữ vị thế theo các xu hướng trung và dài hạn”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh chia sẻ thêm.
Lần đầu tiên kể từ năm 2022, hai mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam không phải các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Xếp sau đậu tương, mặt hàng bạch kim liên thông với Sở NYMEX chiếm tỉ trọng 3,8% và đứng thứ hai trong danh sách các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong tháng 4.
Cũng giống đậu tương, giá bạch kim không thay đổi nhiều khi kết thúc tháng 4, nhưng diễn biến giao dịch có sự rung lắc và biến động mạnh. Vào ngày 12/4, giá bạch kim đã vượt mức 1.000 USD/ounce, vùng giá cao nhất từ tháng 9 năm ngoái.
MXV và CME Group đồng tổ chức hội thảo quốc tế thường niên
Với sự tăng trưởng đột phá trong giai đoạn đầu năm 2024, các đối tác quốc tế, đặc biệt là các Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới đang dành nhiều sự quan tâm, chú ý đối với thị trường Việt Nam.
Vào ngày 16/5/2024 tới đây, MXV và Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) sẽ đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Triển vọng kinh tế thế giới và tác động tới thị trường hàng hóa 2024”. Đây là sự kiện thường niên do hai Sở Giao dịch tổ chức, nhằm cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường hàng hóa thế giới đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu tới từ MXV và CME Group; các thành viên thị trường; các hiệp hội ngành nghề; hàng trăm doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Với những đánh giá, phân tích, dự báo của các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ có những góc nhìn đa chiều, đồng thời nắm được bức tranh toàn cảnh về thị trường giao dịch hàng hóa trên thế giới cũng như những tiềm năng của thị trường kim loại để có thêm công cụ bảo hiểm giá và mở rộng danh mục đầu tư.
“Sự chuyên nghiệp, tâm huyết mà các đối tác quốc tế dành cho sự kiện, cùng sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là minh chứng cho thấy thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang có những bước phát triển đáng được ghi nhận”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định.