Sắc đỏ hoàn toàn áp đảo trên bảng giá nhóm năng lượng và nông sản. Trong khi đó, sắc xanh phủ kín bảng giá nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Chốt ngày, lực bán có phần chiếm ưu thế đã kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index suy yếu ngày thứ ba liên tiếp, với mức giảm 0,39% xuống 2.299 điểm, thấp nhất trong vòng 2 tuần.
Dù vậy, nhờ tính chất giao dịch 2 chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường gia tăng tích cực trước biến động mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 7.700 tỷ đồng, tăng gần 17% so với ngày trước đó.
Giá dầu bất ngờ lao dốc 3%
Kết thúc ngày 17/4, giá dầu thế giới bất ngờ lao dốc, đánh rơi khoảng hơn 3% giá trị, ghi nhận ngày giảm giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2023. Sức ép vĩ mô và nỗi lo về triển vọng nhu cầu tạm thời lấn át rủi ro nguồn cung, đã thúc đẩy lực bán trên thị trường. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 3,13% xuống 82,69 USD/thùng. Dầu Brent giảm 3,03% xuống 87,29 USD/thùng, mức thấp nhất trong 3 tuần qua.
Thị trường có dấu hiệu “bán tháo” sau khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông dịu bớt, và sự chậm trễ ba ngày trong phản ứng của Israel đối với Iran sau khi bị tấn công vào cuối tuần qua.
Ngoài ra, về mặt cung cầu, tồn kho dầu mỏ tại Mỹ gia tăng lên mức cao nhất 10 tháng qua cũng đã thúc đẩy lực bán dầu. Cụ thể, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/4, lên mức đỉnh cao nhất kể từ tháng 6/2023. Tổng sản phẩm nhiên liệu được tiêu thụ, một thước đo về nhu cầu giảm nhẹ 16.000 thùng/ngày xuống 19,22 triệu thùng/ngày.
Về yếu tố vĩ mô, trong bài phát biểu mới nhất, chủ tịch FED Jerome Powell không cung cấp manh mối nào về thời điểm cắt giảm lãi suất, nhưng cảnh báo rằng chính sách tiền tệ cần phải hạn chế lâu hơn để phát huy tác dụng. Điều này đã làm thất vọng nhiều nhà đầu tư. Đồng USD cũng được củng cố, thể hiện qua chỉ số Dollar Index tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, gây áp lực cho giá dầu do chi phí mua hàng đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của thị trường và hạ nhiệt từ mức tăng 2,6% của tháng 2. Thông tin này thúc đẩy kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất trước FED. Tỷ giá EUR/USD giảm sau dữ liệu, cũng góp phần đẩy đồng USD mạnh hơn và tạo sức ép cho giá dầu.
Tăng 5%, giá cà phê Robusta lập đỉnh cao nhất mọi thời
Hai mặt hàng cà phê tiếp tục là điểm sáng và đóng cửa hôm qua ghi nhận mức tăng mạnh nhất trên toàn thị trường hàng hoá. Cụ thể, chốt ngày 17/4, giá Robusta thiết lập mức cao nhất lịch sử tại 4.195USD/tấn, sau khi tăng vọt 5,48%. Đồng thời, giá Arabica cũng ghi nhận mức tăng lên đến 5,23%, đạt mốc 5.298 USD/tấn, cao nhất trong vòng 2 năm.
Lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê tiêu cực hơn trong vụ tiếp theo tại Việt Nam tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy giá Robusta nói riêng cũng như giá cà phê thế giới nói chung. Khô nắng kéo dài đang khiến tình trạng quả non chết khô tăng cao, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch vào cuối năm. Hiện tại, một số đơn vị cung cấp nước tại Tây Nguyên đã ra thông báo ngừng hoạt động. Điều này khiến lo ngại tình trạng khô hạn tại các vùng trồng cà phê trở nên nghiêm trọng hơn do cây cà phê khó phát triển khi thiếu nước và thiếu mưa cung cấp độ ẩm.
Hơn nữa, hiện tượng thời tiết La Nina nhiều khả năng có thể quay lại vào cuối năm khiến nông dân lo lắng hoạt động thu hoạch cà phê cuối năm nay có thể bị trì hoãn. Điều này càng khiến nông dân có xu hướng nắm giữ lượng cà phê hiện có, đẩy tình trạng khan hàng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tại Brazil, nông dân nước này đang ở đầu giai đoạn thu hoạch cà phê vụ 2024-2025. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về tiến độ thu hoạch nên hiện tại chưa đủ sức ép để lấn át những lo ngại về mùa vụ tại Việt Nam. Hãng môi giới StoneX dự báo, sản lượng Robusta vụ đang thu hoạch của Brazil là 22,7 triệu bao, tăng 1,2 triệu bao so với năm trước.
Tương tự Robusta, cà phê Arabica cũng đứng trước lo ngại sụt giảm sản lượng do La Nina có thể gây sương giá trong vụ thu hoạch Arabica vào tháng 7 tới tại Brazil. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch trong vụ 2024-2025, mà còn có thể gây giảm sản lượng cho các niên vụ tiếp theo, như những gì đã xảy ra trong chu kỳ trước vào năm 2021. Bên cạnh đó, giá Arabica còn nhận hỗ trợ trước số liệu tồn kho tiêu cực. Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết ngày 16/4 giảm thêm 1.064 bao loại 60kg, về còn 623.481 bao.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng phi mã, ghi nhận chuỗi tăng dài và mạnh chưa từng có trong lịch sử. Cập nhất đến sáng ngày 17/4, giá thu mua cà phê trong nước đã vượt 117.000 đồng/kg, tăng đến 2.500 đồng/kg so với ngày trước đó. Sau 10 ngày tăng liên tiếp, giá cà phê nội địa đã ghi nhận tổng mức tăng tích lũy lên đến 15.000 đồng/kg.