Để cam sành Hà Giang không còn 'bấp bênh'

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để nâng cao được giá trị và uy tín của sản phẩm cam sành Hà Giang, thúc đẩy sản xuất cam phát triển bền vững, UBND tỉnh Hà Giang đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cam sành Hà Giang”.

Tỉnh cũng triển khai đồng bộ xây dựng chỉ dẫn địa lý và triển khai tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích cam sành nhằm khai thác hiệu quả quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giữ vững thương hiệu cho cam sành Hà Giang, sản xuất cam an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.

Cam sành được tỉnh Hà Giang xác định là cây hàng hóa mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và là một trong những sản phẩm chủ lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020. Cam sành Hà Giang có chất lượng quả ngon đã được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Những năm qua, thị trường tiêu thụ sản phẩm cam của Hà Giang còn bấp bênh, thiếu ổn định, giá bán thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sản xuất và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm chưa triệt để đã làm ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, ngay trong năm 2017, tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa cam sành Hà Giang. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích kinh doanh cam sành Hà Giang đạt từ 5.000 - 6.000 ha, trong đó 70% diện theo trồng theo hướng VietGAP; đưa năng suất bình quân tăng từ 74,9 tạ/ha lên 150 tạ/ha.

Để cam sành Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh và của cả nước, trong năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang chỉ đạo UBND các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất cam phù hợp theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế và công nghệ bảo quản cam được lâu hơn.

Trong đó, chú trọng đầu tư vào chế biến, qua đó sẽ tạo ra sản phẩm mới là nước ép cam, từ đó sẽ tận dụng được các loại cam có chất lượng thấp, tiêu thụ với số lượng lớn, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Trong Quý III/2017, UBND tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ các địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho người trồng cam. Hỗ trợ xây dựng mối liên kết thị trường giữa các nhà vật tư nông nghiệp với nông dân và các tổ chức nông dân sản xuất cam. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá rộng rãi sản phẩm cam sành Hà Giang. Hỗ trợ tem, bao bì cam sảnh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang cũng sẽ đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, tính đến tháng 5/2017, tổng diện tích cam trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt 7.907,6 ha, diện tích cho sản phẩm đạt trên 3.667 ha, trong đó diện tích cam từ 7 - 15 tuổi cho sản phẩm là trên 1.500 ha. Doanh thu từ cây cam sành Hà Giang mỗi năm đạt gần 150 tỷ đồng.

Minh Tâm (TTXVN)
Trồng nho VietGap giúp nông dân Ninh Thuận làm giàu
Trồng nho VietGap giúp nông dân Ninh Thuận làm giàu

Bằng nỗ lực tìm tòi, học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng nho theo hướng an toàn, nông dân trẻ Đào Mạnh Tiệp ở Đội 2, thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã trở thành một trong số ít người làm nho sạch có tiếng trên vùng đất địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN