Chile là một trong những quốc gia giàu có nhất Mỹ Latinh, Haiti là nước “khó khăn” nhất, Ecuador sở hữu chính phủ trung dung và điểm chung là tình trạng biểu tình đang lan rộng tại những quốc gia này.
Trong tháng 10 này, từ Port-au-Prince tới Santiago nhiều người dân đã biểu tình yêu cầu thay đổi và làn sóng này đã trở nên bạo lực khi nhiều người tham gia phóng hỏa tại nhà ga, văn phòng chính phủ…
Một yếu tố quan trọng là bất chấp khác biệt, các nước này đều trải qua tăng trưởng phụ thuộc vào hàng hóa trong thập niên đầu của thế kỷ, sau đó là thời gian giá cả các mặt hàng xuất khẩu then chốt chững lại hoặc giảm kéo theo hệ lụy với kinh tế nội địa. Trong khi đó, người dân tầng lớp trung lưu cảm thấy bất mãn, không công bằng và muốn nhận được nhiều hơn từ chính phủ.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời ông Patricio Navia tại Đại học New York (Mỹ) cho biết: “Người dân tầng lớp trung lưu biểu tình bởi họ cảm thấy chính phủ quan tâm nhiều hơn đến tầng lớp giàu có trong khi phần còn lại của dân số lại phải tự lo cho chính mình. Họ chưa nghèo đến mức nhận được hỗ trợ của chính phủ do vậy quyết định hành động để lên tiếng”.
Một trường hợp điển hình là Chile. Quốc gia này vốn là nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, đã gặt hái được nhiều thành quả trong thập niên từ 2000 đến 2014, nhưng sau đó là thời gian tăng trưởng giảm. Trung bình thu nhập của người dân Chile rơi vào khoảng 560-700 USD/tháng, nhiều người không có khả năng chi trả các hóa đơn.
Trong tháng 10, giá vé tàu điện ngầm tại Chile tăng 4 xu với lý do giá dầu tăng và đồng tiền nội địa yếu đi. Nhiều người dân Chile đã phản đối và tính đến 23/10, biểu tình đã kéo dài 6 ngày với 18 người bị thương đồng thời khiến quốc gia vốn được coi là ổn định rơi vào tình trạng tê liệt.
Giống như Chile, Ecuador từng có giai đoạn tăng trưởng mạnh tổng sản phẩm nội địa (GDP) khi giá dầu đạt mức 100 USD/thùng. Khi đó, Tổng thống Rafael Correa đầu tư xây rất nhiều đường cao tốc, sân bay và trường học. Rồi giá dầu xuống dốc khiến Ecuador rơi vào tình trạng nợ hàng tỷ USD và thiếu tụt ngân sách.
Người kế nhiệm ông Correa – Tổng thống Lenín Moreno tuyên bố biện pháp thắt lưng buộc bụng bao gồm việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu khiến giá xăng tăng mạnh. Người dân Ecuador không đồng tình và đổ ra đường, trong đó có nhiều người nông dân vốn không thu được nhiều lợi ích trong những năm tăng trưởng trước đây.
Haiti từng nhận trợ cấp lượng lớn dầu mỏ từ Venezuela trong năm 2009. Năm 2010, khi xảy ra động đất lớn kiến quốc gia này điêu đứng, hỗ trợ từ quốc tế đổ về Haiti khá lớn.
Nhưng khi giá dầu giảm và kinh tế Venezuela gặp khó khăn, trợ cấp dầu mỏ chấm dứt khiến Haiti thiếu hụt xăng. Tiếp đó, Thượng viện Haiti điều tra và nghi ngờ các quan chức chính phủ đã tham nhũng hàng tỷ USD từ chương trình hỗ trợ dầu mỏ có tên Petrocaribe.
Từ đây nhiều thanh niên Haiti biểu tình và khẳng định họ sẽ chỉ ngừng lại khi Tổng thống Jovenel Moise từ chức.