Xung đột Ukraine khiến Tổng thống Biden đổi nghị trình ưu tiên trong thông điệp liên bang

Ban đầu, bản thông điệp liên bang được soạn thảo chủ yếu đề cập đến nghị trình đối nội của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã buộc Nhà Trắng phải thay đổi một số ưu tiên.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự kiến 21 giờ ngày 1/3 (9 giờ sáng ngày 2/3 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc thông điệp liên bang tại phòng họp Hạ viện Mỹ, với điểm nhấn quan trọng là tốc độ tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ, cùng với phản ứng toàn cầu trước việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bài phát biểu đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, với mục tiêu ban đầu là làm nổi bật, tập trung chương trình nghị sự đối nội của ông Joe Biden, coi đây các nền tảng này là tiền đề để đẩy nhanh các gói cải cách, dự luật đầy tham vọng về chi tiêu công, an sinh xã hội vốn bị đình trệ trong thời gian qua.

Nhưng cuộc chiến nổ ra ở Ukraine hôm 24/2 đã buộc Nhà Trắng phải tính toán lại, phải làm cho thông điệp liên bang 2022 phản ánh được “thời khắc của thời đại” – như cách nói của phát ngôn viên Nhà Trắng tại buổi họp báo hôm 28/2. Bà Psaki cho biết, ông Biden sẽ dành một phần thời lượng trong bài phát biểu để nêu bật nỗ lực của Mỹ trong ngăn chặn Nga can thiệp ở Ukraine, buộc Moskva phải trả giá đắt cho hành động này.

Đến thời điểm này, ông Biden cơ bản có được sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với biện pháp đáp trả của Mỹ trước Nga. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giới lãnh đạo Mỹ đã chậm trễ trong việc áp đặt trừng phạt Nga, một phần là bởi Nhà Trắng mong muốn xử lý ổn thỏa lo ngại của nhiều nước châu Âu.

Đáp lại chỉ trích này, bà Psaki cho biết, Tổng thống Biden sẽ đề cập đến những bước đi mà ông thực hiện nhằm thiết lập một liên minh toàn cầu áp đặt các lệnh trừng phạt hủy diệt nhằm vào Nga, với các lĩnh vực ngân hàng, công nghiệp, nhiều công ty cùng giới tài phiệt Nga và cá nhân ông Putin.

Nhưng ngay cả khi đề cập sâu về cuộc khủng hoảng toàn cầu ở nước ngoài, giới phụ tá, cố vấn Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ vẫn tập trung cho hai vấn đề thiết yếu nhất trong nhiệm kỳ của mình: Đó là kinh tế và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Ông Biden đọc thông điệp liên bang trước lưỡng viện Quốc hội khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau từ đại dịch COVID-19, biến cố từng đẩy Mỹ vào suy thoái, khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm. Đọc thông điệp liên bang là dịp ông Biden nêu bật thành tựu của chính quyền trong duy trì tỉ lệ thất nghiệp thấp, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng nhanh, hơn 6 triệu việc làm mới đã được tạo ra kể từ khi ông lên nắm quyền.

Trong bản thông điệp liên bang năm nay, ông Biden cũng sẽ hối thúc Quốc hội ủng hộ dự luật Xây dựng lại tốt đẹp hơn (Build Back Better), dự luật được Hạ viện thông qua hồi năm ngoái, nhưng hiện “tắc” ở Thượng viện do vấp phải phản đối từ hai thượng nghị sĩ chủ chốt của đảng Dân chủ.

Tại tòa nhà Hạ viện, ông Biden sẽ đọc thông điệp liên bang mà không đeo khẩu trang. Đó là bởi cũng trong ngày 1/3, quy định mới của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về đeo khẩu trang có hiệu lực. Theo đó, quy định đeo khẩu trang được dỡ bỏ đối với các cộng đồng trên khắp nước Mỹ ghi nhận xu hướng giảm ca mắc mới, giảm trường hợp nhập viện và tử vong. Nhân viên, khách tham quan tại Nhà Trắng khi tiêm đủ liều vaccine sẽ không phải đeo khẩu trang.

Tổng thống Biden đã triển khai chiến dịch chống đại dịch COVID-19 ngay sau khi nhậm chức ở Nhà Trắng, chủ yếu dựa vào tiêm chủng vaccine. Đến nay, có khoảng 75% dân số Mỹ đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Khi làn sóng lây nhiễm Omicron có xu hướng suy yếu, giới chức chính quyền Mỹ hy vọng cuộc chiến chống COVID-19 sớm bước sang giai đoạn mới mà ở đó dịch được coi như là bệnh đặc hữu, không chi phối quá nhiều đến nhịp sống của người dân.

Thông điệp được ông Biden nhấn mạnh sẽ là cuộc chiến chống dịch đã và đang có bước tiến lớn, nhưng chưa thể chủ quan. Một quan chức ẩn danh thạo tin tại Nhà Trắng cho biết Tổng thống sẽ nêu bật thành tựu rõ nét trong hơn 13 tháng qua, khẳng định trước toàn dân rằng nước Mỹ có đủ công cụ, nổi bật là vaccine và thuốc điều trị, để ngăn chặn tình trạng dịch nghiêm trọng, nguy cơ mắc bệnh nặng.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo NYT)
Mỹ bác đề xuất của Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay đối với Nga
Mỹ bác đề xuất của Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay đối với Nga

Ngày 28/2, Nhà Trắng đã bác đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Ukraine, đồng thời cho rằng việc Mỹ tham gia động thái như vậy tương đương với một cuộc xung đột trực tiếp với Moksva - điều mà Washington không mong muốn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN