Lo ngại Chiến tranh Lạnh dẫn tới những phản ứng khác biệt về xung đột Nga-Ukraine

Khi nguy cơ Chiến tranh Lạnh thứ hai bùng phát, thế giới đang cảnh giác về việc đứng về phía nào.

Chuyên gia phân tích chính trị cấp cao Marwan Bishara, Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ tại Paris (Pháp) bình luận với tờ Al Jazeera ngày 27/2 rằng, trong khi nhiều nước phương Tây đang thể hiện sự thống nhất, đoàn kết với Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga, họ lại chia rẽ về vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột nói riêng và một số vấn đề toàn cầu nói chung.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị vũ khí trước cuộc xung đột với các lực lượng Nga. Ảnh: Reuters

Nhận xét tại một cuộc họp báo vào ngày 24/2, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Về Chiến tranh Lạnh, chúng ta thấy phần lớn phần còn lại của thế giới phản đối hoàn toàn những gì Nga đang làm. Đó sẽ là một ngày lạnh giá đối với Nga”. 

Nhưng trong vài ngày sau đó, phản ứng quốc tế với hành động của Moskva ở Ukraine rất khác nhau. Hai quốc gia lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đã không chỉ trích mạnh mẽ hành động của Nga, các quốc gia châu Phi lớn như Nigeria, Nam Phi và Ai Cập cũng phản ứng tương tự. Brazil cũng dao động.

Trong khi 11 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, nhiều quốc gia trên thế giới đã không đưa ra quan điểm một cách rõ ràng, hầu hết chỉ kêu gọi chấm dứt bạo lực và quay trở lại đàm phán.

Tất cả những điều đó đặt ra câu hỏi: Tại sao các quốc gia phương Tây do Mỹ đứng đầu thống nhất và đoàn kết về mặt chiến lược lại không thể khiến mọi quốc gia bỏ phiếu phản đối về hành động của Nga?

Theo ông Bishara, câu trả lời ngắn gọn là: Có thể vì họ ít liên quan đến Ukraine và chủ yếu liên quan đến Mỹ. Các quốc gia lo ngại và nghi ngờ về việc bị lôi kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga.

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ tồi tệ và thậm chí còn nguy hiểm hơn nếu thế giới trở nên phân cực sâu sắc giữa một bên là phương Tây và NATO, bên kia là Nga và Trung Quốc.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết các quốc gia đã đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và quân sự với các cường quốc trên thế giới và không muốn lựa chọn giữa Nga và Mỹ hoặc giữa EU và Trung Quốc.

Nhiều quốc gia cũng đang tìm kiếm lợi ích riêng trong bối cảnh phân cực địa chính trị và một số nước phụ thuộc Nga về lúa mì, năng lượng và khí tài quân sự, hoặc phụ thuộc Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư, cho vay và thương mại.

Chiến tranh Lạnh lần thứ hai chắc chắn sẽ cản trở các nỗ lực quốc tế trong chống biến đổi khí hậu, đối phó với đại dịch COVID-19 và đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo.

Chiến tranh Lạnh lần thứ hai cũng sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang khác, và đưa thế giới đến gần hơn với một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tóm lại, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ gây ra những đau thương khủng khiếp cho con người, khủng hoảng kinh tế và nguy cơ về cuộc xung đột toàn cầu với những hậu quả khôn lường.

Công Thuận/Báo Tin tức
Bên nào sẽ chịu thiệt hại hơn trước đòn trừng phạt tài chính mới của phương Tây?
Bên nào sẽ chịu thiệt hại hơn trước đòn trừng phạt tài chính mới của phương Tây?

Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) những ngày gần đây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga khi căng thẳng giữa nước này và Ukraine liên tục leo thang, trong đó bao gồm biện pháp hạn chế quyền tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của các ngân hàng Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN