Nhưng hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá trong khoảng thời gian giữa hai Thông điệp Liên bang, tháng 4/2021 và tháng 2/2022, đã xảy ra nhiều biến động. Chủ tịch Trung tâm Tư pháp Brennan, ông Michael Waldman nhận định: “Thông điệp Liên bang phải trải qua nhiều lần viết và sửa. Tôi cho rằng họ đang bắt đầu một bản thảo mới ở thời điểm này”.
Tổng thống Joe Biden dự kiến đọc Thông điệp Liên bang vào tối 1/3 (giờ địa phương) ở thời điểm ông đang gặp khó khăn trong thực hiện lời hứa ban đầu của mình và còn buộc phải đối mặt với nhiều vấn đề mới phát sinh.
Mặc dù Tổng thống Biden đã đạt được thỏa thuận với lưỡng đảng về một kế hoạch cơ sở hạ tầng, nhưng nhiều đề xuất khác của ông đã bị từ chối hoặc bị bỏ rơi mà không có con đường rõ ràng để hiện thực hóa.
Ông đã đi theo cam kết đưa lực lượng quân đội Mỹ rời Afghanistan, nhưng cuộc rút lui hỗn loạn đã khiến Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan. Trong khi đó, nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2, dễ lây lan hơn đã xuất hiện khiến số ca mắc mới COVID-19 không thuyên giảm. Và gần đây là căng thẳng tại Ukraine.
Theo truyền thống, các Thông điệp Liên bang đều tập trung vào vấn đề nội địa. Nhưng ông Waldman cho rằng lần này Thông điệp Liên bang lại là cơ hội để Tổng thống Biden đề cập đến vấn đề Ukraine ở thời điểm người dân Mỹ vẫn quan ngại về việc tham gia vào xung đột tại nước ngoài cũng như kinh tế đối mặt với tác động do giá khí đốt tăng.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là vào ngày 25/2, nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố đề cử bà Ketanji Brown Jackson đảm nhận vị trí trong Tòa án Tối cao, thay cho ông Stephen Breyer về hưu. Nếu được Thượng viện thông qua, bà Jackson sẽ trở thành người phụ nữ gốc Phi đầu tiên giữ vị trí trong tòa án tối cao của quốc gia.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ gần đây đã công bố hướng dẫn phòng dịch COVID-19 mới trong đó có nới lỏng đối với việc đeo khẩu trang. Thay vì tập trung vào số ca mắc vốn đang khó kiểm soát hơn bởi biến thể Omicron, CDC lại dựa vào số trường hợp nhập viện. Đây là dấu hiệu cho sự thay đổi chuyển sang giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 tại Mỹ.
Nhà sử học Michael Beschloss đánh giá rằng đối với Tổng thống Biden Thông điệp Liên bang lần này "diễn ra vào lúc giao thoa của những thời khắc lịch sử”. Ông Beschloss phân tích: “Đó là cơ hội hiếm hoi để một Tổng thống cất lên tiếng nói của mình trước sự ồn ào. Ông ấy không có nhiều cơ hội như vậy".
Việc đưa ra những cam kết mới với cử tri Mỹ qua Thông điệp Liên bang cũng được coi là khó khăn ở thời điểm nhiều đề xuất ban đầu của Tổng thống Biden đã “đóng băng”, ví dụ như miễn học phí tại các đại học cộng đồng, giới hạn giá thuốc kê đơn, sáng kiến tài chính để chống lại biến đổi khí hậu…
Nhưng đôi khi, bài phát biểu Thông điệp Liên bang lại giúp các vị Tổng thống hồi phục sau quãng thời gian khó khăn. Đó là trường hợp của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong năm 1961. Chính quyền của ông John F. Kennedy khi đó vấp phải vụ việc Vịnh con Lợn ở Cuba và Liên Xô thành công trong đưa người lên vũ trụ. Do vậy, ông John F. Kennedy đã thay đổi nội dung nhanh chóng với Thông điệp Liên bang và cam kết sẽ đưa người lên Mặt Trăng.
Nhà sử học Michael Beschloss đánh giá cựu Tổng thống Kennedy khi đó kỳ vọng đem lại luồng gió mới cho chính quyền của ông và điều đó đã hiệu quả.