Theo tuyên bố do người phát ngôn của TTK LHQ đưa ra, TTK Guterres nhấn mạnh "những tổn thất sinh mạng dân thường, trong đó có trẻ em, trong vụ tấn công mới đây nhất vào ngày 16/10" tại thành phố Ganja của Azerbaijan là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Ông Guterres khẳng định lại rằng "những cuộc tấn công bừa bãi vào các khu vực dân cư ở bất kỳ đâu, kể cả ở Stepanakert/Khankendi và các nơi khác ở trong và xung quanh khu vực xung đột Nagorny - Karabakh" cũng là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được". TTK LHQ bày tỏ "rất tiếc khi các bên xung đột tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi nhiều lần của cộng đồng quốc tế về việc ngừng giao tranh ngay lập tức".
Theo tuyên bố, trong các cuộc điện đàm mới đây nhất của ông Guterres với ngoại trưởng các nước Armenia và Azerbaijan, TTK LHQ một lần nữa nhấn mạnh rằng cả hai bên có trách nhiệm bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng theo luật nhân đạo quốc tế khi tiến hành các hoạt động quân sự. Ông Guterres cũng hy vọng rằng Armenia và Azerbaijan sẽ tuân thủ đầy đủ cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mới đạt được và có hiệu lực từ ngày 18/10, đồng thời nối lại các cuộc đàm phán thực chất dưới sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ hoan nghênh lệnh ngừng bắn nhân đạo mới giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời lên án mọi hành động vi phạm thỏa thuận này. Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết ông vừa có các cuộc điện đàm với ngoại trưởng các nước Armenia và Azerbaijan, trong đó ông kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn một cách "nghiêm ngặt và vô điều kiện".
Trước đó, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan ngày 17/10 thông báo "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo" mới có hiệu lực từ nửa đêm theo giờ địa phương (3h sáng 18/10 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, cả Armenia và Azerbaijan ngày 18/10 đều đã cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Đây là lệnh ngừng bắn thứ hai kể từ khi căng thẳng tái bùng phát tại Nagorny - Karabakh ngày 27/9 vừa qua. Trước đó, trong cuộc tham vấn theo sáng kiến của Nga, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý ngừng bắn từ ngày 10/10 vì mục đích nhân đạo nhằm trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng, song lệnh ngừng bắn này đã đổ vỡ ngay sau khi có hiệu lực.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các bên trung gian quốc tế, đặc biệt là Nga, đang nỗ lực hòa giải các bên xung đột tại khu vực này.