WHO đề xuất có thể linh hoạt thời gian giữa hai lần tiêm vaccine

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, Hans Kluge ngày 7/1 cho biết các nước Liên minh châu Âu đang tiến hành tiêm chủng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVD-19 có thể "linh hoạt hơn" về quãng thời gian giữa hai lần tiêm.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế chuẩn bị được tiêm cho các nhân viên y tế tại Reno, Nevada (Mỹ) ngày 17/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Kluge, điều quan trọng là phải cân bằng giữa năng lực sản xuất vaccine toàn cầu vốn vẫn còn hạn chế với việc phải bảo vệ nhiều người nhất nhằm giảm gánh nặng đối với hệ thống y tế nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước, trong đó có Vương quốc Anh, đang tìm cách đối phó với nguồn cung vaccine thấp bằng cách kéo dài thời gian giữa hai lần tiêm lên 12 tuần và cân nhắc liều lượng thấp hơn cho mỗi lần tiêm.

Các đề xuất kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều tiêm đã gây ra tranh cãi lớn trong giới khoa học. Các công ty Pfizer và BioNTech cảnh báo vaccine của họ sẽ không có hiệu quả phòng ngừa bệnh COVID-19 nếu lần tiêm lặp lại cách lần tiêm thứ nhất quá 21 ngày.

EU đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của Pfizer/BioNTech cách đây hai tuần và hàng trăm nghìn người châu Âu đã được tiêm phòng kể từ khi chiến dịch này bắt đầu 1 tuần sau đó.

* Trong diễn biến mới nhất, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 7/1 cho biết đã bắt đầu giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng vaccine của Nga trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này tăng cao.

Việc thử nghiệm lâm sàng đã được thông báo từ tháng 10/2020 trước khi số ca nhiễm gia tăng. Ban đầu, sẽ cần tìm 500 tình nguyện viên  trên 18 tuổi, chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và chưa tham gia cuộc thử nhiệm vaccine khác để tiêm vaccine Sputnik V tại một bệnh viện ở Abu Dhabi. Mỗi người sẽ được tiêm 2 liều, cách nhau 20 ngày.

UAE cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba vaccine của công ty Sinopharm của Trung Quốc. UAE đã phê chuẩn vaccine này và tiêm miễn phí cho bất cứ ai muốn, ưu tiên những người thuộc diện dễ bị tổn thương.

Tháng trước, Tiểu vương Dubai chỉ bắt đầu tiên vaccine của Pfizer/BioNTec. Giới chức tại UAE cho biết tính đến ngày 5/1, 826.301 liều vaccine đã được tiêm, song không nói rõ là vaccine nào. UAE đặt mục tiêu tiêm phòng cho hơn 50% dân số trong quý IV/2021.

UAE đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao hơn gấp đôi trong 10 ngày qua. Trong ngày 6/1, nước này có thêm 2.067 ca nhiễm. Tổng cộng, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận 218.766 ca nhiễm, trong đó có 689 ca tử vong.

Bích Liên (TTXVN)
WHO: Không có bằng chứng biến thể virus SARS-CoV-2 kháng vaccine
WHO: Không có bằng chứng biến thể virus SARS-CoV-2 kháng vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, hai quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/1 cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi hoặc ở Anh có khả năng kháng vaccine hay khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN