Giới chức y tế bang Sao Paulo, bang đông dân nhất và từng là tâm dịch tại Brazil, cho biết các loại vaccine ngừa COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già trên 60 tuổi và người thổ dân. Dự kiến sẽ có khoảng 54.000 nhân viên y tế và 25.000 cảnh sát tham gia triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà tại bang Sao Paolo trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cho đến nay Sinovac vẫn chưa được đăng ký với Cơ quan Giám sát y tế quốc gia của Brazil (Anvisa), do đó hiệu quả của vaccine hãng này vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, ngày 6/1, Tổng thống Peru Francisco Sagasti thông báo chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận mua 38 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Tập đoàn dược phẩm quốc gia Sinopharm của Trung Quốc bào chế, cùng với đó là hợp đồng cung cấp 14 triệu liều vaccine khác từ hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).
Tổng số 52 triệu liều vaccine này sẽ cho phép Chính phủ Peru triển khai chương trình tiêm chủng cho khoảng 26 triệu người dân.
Tổng thống Sagasti cho biết Chính phủ Peru đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 14-15 triệu người vào khoảng giữa năm 2021, trước mùa Đông tại các nước phía Nam bán cầu. Ông cũng thông báo hãng AstraZeneca bắt đầu cung cấp những liều vaccine đầu tiên từ tháng 9/2021. Tuy nhiên, giá trị của các bản hợp đồng vừa đạt được không được công bố.
Trước đó, giữa tháng 12/2020, Peru thông báo sẽ tiêm chủng miễn phí các loại vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ 33 triệu người dân của nước này.
Cùng ngày, CH Séc đã công bố kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này, trong đó từ nay đến hết tháng 3, vaccine sẽ dành cho các đối tượng ưu tiên và kể từ tháng 4, vaccine sẽ được triển khai tiêm đại trà. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của quốc gia Trung Âu này trong năm 2021.
Trước đó, Đài Phát thanh quốc tế Praha dẫn lời Bộ trưởng Y tế Séc Jan Blatny cho biết kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nước này sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu hiện đang được triển khai dành cho các đối tượng ưu tiên gồm người già trên 80 tuổi, nhân viên y tế, nhân viên làm việc trong các cơ sở chăm sóc xã hội và nhân viên tham gia phòng chống dịch của Bộ Nội vụ Séc. Giai đoạn tiếp theo dành cho các đối tượng ưu tiên gồm người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính và các đối tượng ưu tiên làm việc trong các cơ quan nhà nước trọng yếu. Giai đoạn 3 được áp dụng đại trà cho người dân.
Bộ trưởng Blatny cho biết tiến trình tiêm vaccine chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ và số lượng vaccine. Đây cũng là trở ngại chính trong quá trình triển khai kế hoạch này. Hiện Séc đã đặt mua hơn 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine từ ngày 27/12/2020. Đến nay, có khoảng 15.000 người đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, trong đó chủ yếu là nhân viên y tế và người cao tuổi. Bộ Y tế Séc mong muốn khoảng 70-80% dân số nước này sẽ được tiêm vaccine và khẳng định chi phí tiêm vaccine sẽ do quỹ bảo hiểm y tế công của Séc chi trả. Theo thăm dò mới đây, số lượng người muốn tiêm vaccine ngày càng tăng, đạt mức khoảng 65% dân số nước này.