WHO cho biết chỉ trong một tháng qua, cơ quan này đã nhận được báo cáo về các trường hợp nhiễm bệnh từ 26 quốc gia.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Mpox vẫn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Ông đề cập đến tình hình dịch Mpox tại Nam Phi khi nước này gần đây đã báo cáo có 20 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Đây là những ca tử vong đầu tiên do Mpox tại nước này kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại Nam Phi năm 2022. Người đứng đầu WHO khẳng định không có trường hợp nào trong số đó có lịch sử du lịch quốc tế và điều này cho thấy các trường hợp được xác nhận mắc bệnh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số ca mắc thực tế và đang diễn ra sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tình hình dịch bệnh Mpox đang đặc biệt đáng quan ngại ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi phát hiện một chủng virus mới đã lây lan kể từ tháng 9 năm ngoái. Đợt bùng phát tại Congo không có dấu hiệu thuyên giảm khi có tới 11.000 trường mắc bệnh đã được báo cáo trong năm nay, trong đó có 445 trường hợp tử vong và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Mpox lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, với sự lây lan của chủng Clade I ở một số quốc gia Tây và Trung Phi. Người bệnh chủ yếu bị lây nhiễm từ động vật bị nhiễm bệnh, do các hoạt động như khi ăn thịt rừng.
Đến tháng 5/2022, dịch Mpox một lần nữa bùng phát trên toàn cầu, khiến WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mức báo động cao nhất mà tổ chức này có thể đưa ra vào tháng 7/2022. Tổ chức này đã chấm dứt cảnh báo vào tháng 5 năm ngoái nhưng vẫn tiếp tục khuyến nghị người dân toàn cầu cảnh giác với dịch bệnh này.
Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu cơ quan phòng chống dịch bệnh và đại dịch tại WHO, khẳng định Mpox sẽ không biến mất, mà con người vẫn phải học cách sống cùng dịch bệnh này, song điều cần thiết có sự giám sát chặt chẽ.