Quy định mới của MEITy yêu cầu những nền tảng truyền thông xã hội trung gian lớn như WhatsApp phải “truy” nguồn gốc của các tin nhắn cụ thể được gửi trên dịch vụ nhắn tin này. Tuy nhiên, theo một người phát ngôn của WhatsApp, việc yêu cầu các ứng dụng nhắn tin truy nguồn gốc các cuộc trò chuyện tương đương với việc yêu cầu WhatsApp theo dõi từng tin nhắn được gửi đi trên ứng dụng này. Điều này sẽ phá vỡ tính năng mã hóa đầu cuối và về cơ bản làm phương hại quyền riêng tư của người dùng.
Người phát ngôn trên nhấn mạnh cùng với xã hội dân sự và các chuyên gia trên khắp thế giới, WhatsApp đã luôn phản đối những yêu cầu vi phạm quyền riêng tư của người dùng, song ứng dụng thuộc sở hữu của mạng xã hội Facebook này cũng sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Ấn Độ để tìm giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người, trong đó có việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý hợp lệ về những thông tin mà WhatsApp có sẵn.
Trước đó báo chí đưa tin các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, WhatsApp, Google và Twitter có thể sẽ phải đối mặt hành động pháp lý ở Ấn Độ nếu không tuân thủ quy định mới của chính phủ nước này nhằm tăng cường kiểm soát các nền tảng trung gian, có hiệu lực từ ngày 26/5. Việc không tuân thủ các quy định trên sẽ khiến các mạng truyền thông xã hội bị tước quy chế nền tảng trung gian cũng như quyền miễn trừ và sẽ phải đối mặt với biện pháp hình sự thể theo luật pháp của Ấn Độ.
Những quy định nêu trên cũng yêu cầu các công ty truyền thông xã hội bổ nhiệm một nhân viên giải quyết khiếu nại thường trú, nhân viên giám sát việc tuân thủ quy định và người liên hệ cơ bản, cũng như công bố thông tin chi tiết của những người này trên trang web của họ, cùng với địa chỉ liên hệ thực tế. Quy định cũng yêu cầu truy nguồn gốc của người khởi tạo tin nhắn và đưa vào điều khoản về xác minh tự nguyện như một cách để thiết lập danh tính người dùng.