Vợ chồng Nhật hoàng đối mặt tình thế chưa tiền lệ: Nghỉ hưu

Khi Nhật hoàng Akihito thoái vị ngày 30/4, ông và Hoàng hậu Michiko sẽ lui về nghỉ hưu sau nhiều thập kỷ luôn là tâm điểm chú ý. Đây là cuộc thoái ngôi đầu tiên ở Nhật Bản trong hai thế kỷ qua. 

Chú thích ảnh
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫy chào đám đông tại sự kiện mừng Năm mới ở Tokyo tháng 2/2019. Ảnh: REUTERS

Họ đã sống những ngày tháng bận rộn: hàng năm chủ trì hàng trăm lễ kỷ niệm và buổi tiếp kiến, thực hiện ít nhất ba chuyến thăm trong nước mỗi năm và đã đến thăm trên 50 quốc gia. Đa số hoạt động trên sẽ kết thúc sau khi con trai ông, Thái tử Naruhito, trở thành Nhật hoàng kể từ ngày 1/5. Bạn bè và người thân đã bày tỏ sự quan tâm đến cuộc sống của ông bà sau khi lui về "ở ẩn".

“Nhà vua mới nên trở thành một biểu tượng mới”, ông Makoto Watanabe, cựu cố vấn của Nhật hoàng Akihito cho biết, “Nhật hoàng (sắp thoái vị) đã suy nghĩ kỹ về cách để tránh rắc rối của lưỡng quyền. Lịch làm việc hàng ngày của ông dự kiến sẽ gần như biến mất hoàn toàn”. 

Khép lại triều đại Heisei, vợ chồng ông Akihito sẽ chuyển về Điện Togu, nơi họ từng sinh sống trước khi ông trở thành Nhật hoàng. Họ sẽ có ít trợ lý hơn nhưng chính phủ vẫn tiếp tục trả tiền cho các chi phí sinh hoạt của họ. 

Bà Michiko có nhiều sở thích, bao gồm âm nhạc và văn chương, nên sẽ không gặp khó khăn để lấp đầy hoạt động trong ngày của mình. Tuy nhiên, ông Akihito có thể phải trải qua quãng thời gian “hụt hẫng” bởi trước đây ông thường tập trung hoàn toàn cho công việc. 

Bạn bè của ông hy vọng ông sẽ có thời gian để theo đuổi môn quần vợt yêu thích, song chơi thể thao có lẽ sẽ khó ở độ tuổi 85. “Gần đây, ông ấy không còn chơi nữa”, ông Kazuo Oda tiết lộ. Ông Oda là người có mặt trên sân quần vợt khi ông Akihito gặp bà Michiko năm 1957 và giúp hai người kết nối qua điện thoại. 

Ông bà từng được hỏi tại một cuộc họp báo năm 2007 rằng họ sẽ làm gì nếu được sống ẩn danh với công chúng. Nhật hoàng đáp: “Hiện tại, tôi chưa thể nghĩ ra điều gì muốn làm”, mặc dù ông đã nói thêm rằng sẽ rất vui vì có thể thời gian để đi ngắm cảnh và làm nghiên cứu. Sở thích của ông là nghiên cứu sinh vật biển, đặc biệt là loài cá bống. 

Chú thích ảnh
Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko gặp mặt các học sinh, sinh viên Nhật Bản đang học tập tại Việt Nam nhân chuyến thăm đầu năm 2017. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Ông từng phải điều trị căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và mổ tim. Năm 2016, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ ý nguyện thoái vì. Ông lo sợ tuổi già sẽ cản trở ông hoàn thành nhiệm vụ. 

Triều đại Heisei hiện nay tại bắt đầu từ năm 1989 khi Thái tử Akihito đăng quang thay thế Nhật hoàng Hirohito, người cầm quyền trong suốt Triều đại Showa và ngày nay còn nổi tiếng với tên gọi Hoàng đế Showa.

Trong suốt thời gian trị vì, Nhật Hoàng Akihito luôn được người dân Nhật Bản kính trọng, yêu mến. Dù không nắm quyền lực chính trị, nhưng Nhật Hoàng đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, đồng thời chủ trì việc tiếp đón các nguyên thủ tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Nhật Bản.

Trước đó, ngày 1/4, chính phủ Nhật Bản thông báo triều đại mới của nước này dưới thời Nhật hoàng Naruhito sẽ có niên hiệu là Reiwa (Lệnh Hòa). Niên hiệu này sẽ chính thức được dùng khi Thái tử Naruhito kế thừa ngai vàng của Nhật hoàng Akihito vào ngày 1/5. Thái tử Naruhito sẽ trở thành Nhật hoàng thứ 126 trong lịch sử.

Theo kế hoạch, lễ thoái vị của Nhật Hoàng Akihito bắt đầu từ 17h00 ngày 30/4 theo giờ địa phương. Khoảng 300 khách mời đại diện từ 195 quốc gia sẽ tham dự sự kiện. Sau lễ đăng quang, tân Nhật hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của nhân dân lần đầu tiên.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Nhật Bản chuẩn bị phát hành tiền giấy mẫu mới
Nhật Bản chuẩn bị phát hành tiền giấy mẫu mới

Theo hãng thông tấn Kyodo, Nhật Bản dự định giới thiệu các mẫu tiền giấy mới mệnh giá 10.000 yên, 5.000 yên và 1.000 yên được bổ sung các đặc tính chống tiền giả tiên tiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN