Không có dấu tích nào của Yuki trong nhà, thay vào đó cảnh sát phát hiện bức thư tuyệt mệnh trong phòng của cậu.
Đôi mắt ngấn lệ khi ngồi cạnh di ảnh của Yuki, bà Watanabe chia sẻ: “Họ tìm thấy con tôi trong một con kênh gần ngôi đền, sau đó họ quấn thi thể Yuki trong chăn. Sau quá trình pháp y, Yuki trở về nhà trong chiếc quan tài. Lúc đó cõi lòng tôi tan nát”.
Yuki qua đời năm 2008, hưởng dương 29 tuổi. Anh là một trong nhiều trường hợp khác sống ở tỉnh Akita quyết định tự kết liễu cuộc đời. Trong gần 2 thập niên, Akita là nơi được ghi nhận có tỷ lệ tự tử cao nhất tại Nhật Bản.
Nhưng bà Watanabe cho biết đến nay đã có nhiều đổi thay. Bà cũng cho rằng nếu ở thời điểm này con trai bà sẽ không đi đến kết cục như vậy bởi “có nhiều người có thể giúp ngăn điều đó”.
Hiện nay bà Watanabe đang dẫn đầu một nhóm nhũng người sống sót sau khi có ý định tự tử. Đây là một trong những hoạt động mà Nhật Bản đã thực thi và đạt được kết quả giảm tỷ lệ tự tử xuống 40% trong 15 năm. Tỷ lệ tự tử tại Akita cũng ở mức thấp nhất trong 40 năm.
Những nỗ lực này được triển khai trên toàn Nhật Bản từ năm 2007. Chính phủ tiến hành kiểm tra mức độ căng thẳng tại các công ty có hơn 50 nhân viên. Người lao động được tạo điều kiện hơn để nghỉ phép, hỗ trợ tâm lý và ban hành luật liên quan đến việc làm thêm ngoài giờ hành chính.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết việc tự tử đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Nhật Bản như một giải pháp để tránh mất mặt hoặc bảo toàn danh dự. Trong khi đó bản thân người có ý định tự tử lại lảng tránh tìm đến hỗ trợ về tâm lý. Khi tình trạng tự tử lên tới đỉnh điểm 34.427 trường hợp trong năm 2003, các chính khách Nhật Bản đã hết sức lo ngại và tìm biện pháp để thay đổi.
Ông Hiroki Koseki công tác trong cơ quan của chính quyền địa phương Akita về ngăn chặn tự tử cho biết: “Trong một thời gian dài, có quan điểm cho rằng tự tử là vấn đề của cá nhân do vậy chính phủ không thực sự ra tay giải quyết tình trạng này. Không chỉ Akita mà là toàn quốc”.
Đến năm 2016, các địa phương Nhật Bản đã được tự do hơn trong việc phát triển kế hoạch phù hợp với đặc thù địa phương để giảm thiểu tỷ lệ tự tử.
Từ năm 1999, chính quyền tỉnh Akita đã đi tiên phong tại Nhật Bản trong việc chi ngân sách ngăn chặn tình trạng tự tử. Tỉnh Akita với dân số chỉ 981.000 người đang giữ vị trí là nơi có mạng lưới hỗ trợ công dân lớn nhất Nhật Bản.
Tỉnh Akita đã thực hiện chương trình phát hiện trầm cảm và nhân viên y tế công cộng sẽ đến gặp những công dân có “nguy cơ cao nhất”. Ngoài ra, còn có nhiều tình nguyện viên tham gia hỗ trợ như ông Hisao Sato vốn từng chiến đấu với trầm cảm trong nhiều năm sau khi công việc kinh doanh thất bại năm 2000.
Ông Sato vào năm 2002 đã thành lập Kumonoito – mạng lưới các chuyên gia luật và tài chính chuyên tư vấn giúp đỡ thực tiễn cho những người gặp khó khăn. Tỉnh Akita đã tài trợ 60% kinh phí cho mạng lưới của ông Sato. Ông Sato kể lại động lực khiến ông thành lập Kumonoito: “Một người bạn của tôi đã nhảy cầu sau khi gặp thất bại trong công việc. Tôi vô cùng giận dữ. Tôi không muốn họ buộc phải chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình”.
Quốc hội Nhật Bản đang dự thảo luật thành lập tổ chức quốc gia hoạt động tương tự như Kumonoito của ông Sato.
Akita cũng sở hữu mạng lưới “người gác cổng” – được đào tạo để nhận diện cá nhân có nguy cơ tự tử. Những “người gác cổng” còn chủ động liên lạc để hỗ trợ các cá nhân này. Bất cứ người dân Akita nào cũng có thể trở thành “người gác cổng” sau khi tham gia khóa đào tạo của cơ quan y tế tỉnh.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chống tự tử Nhật Bản – ông Yutaka Motohashi nhận xét: “Về cơ bản, điều này có nghĩa là mọi người trong cộng đồng đều tham gia ngăn chặn tự tử. Đó là công việc chung của cả cộng đồng”.
Tại Akita còn có những tình nguyện viên lắng nghe, họ chuyên chuyện trò cùng những người có nguy cơ tự tử, trong đó có nhiều người cao tuổi.
Bà Ume Ito (73 tuổi) – tình nguyện viên lắng nghe cho biết: “Khoảng 70-80% những người chúng tôi gặp đều nói rằng họ muốn chết. Nhưng sau những lần chia sẻ, họ đã không còn nghĩ đến việc tự kết liễu cuộc đời và còn nói rằng ‘tôi mong đợi được gặp bà lần tới’”.
Một trong những trường hợp khiến bà Ito nhớ nhất là bà Sumiko (73 tuổi) phải nằm liệt giường sau một cú ngã. Bà Sumiko thường nằm ở nhà cả ngày một mình cho đến khi gia đình con trai trở về vào buổi tối. Trong cảnh cô đơn đó, bà Sumiko đã suy nghĩ đến điều xấu nhất. Nhưng sự xuất hiện đúng lúc của bà Ito đã giúp bà Sumiko thay đổi. Sau đó, bà Sumiko từng nói với con trai : “Việc được lắng nghe đã cứu mẹ”.
Tỷ lệ tự tử tại Akita đã giảm từ từ 44,6 trường hợp/100.000 người dân năm 2003 xuống còn 20,7 trường hợp/100.000 người dân năm 2018. Tuy nhiên Akita vẫn đứng ở vị trí cao thứ 6 trên toàn quốc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tự tử nhưng các chuyên gia cho rằng riêng tại Akita tình trạng này khá cao bởi nơi đây khá hẻo lánh, không có nhiều cơ hội việc làm, mùa đông kéo dài, nhiều người cao tuổi sống đơn độc và tách biệt…
Nhật Bản hướng tới đến năm 2027 chỉ còn 13 trường hợp tự tử/100.000 dân. Trong khi đó, nếu so sánh với Mỹ vốn có dân số gấp đôi Nhật Bản thì tỷ lệ tự tử tại quốc gia này là 14 trường hợp/100.000 dân trong năm 2017.
Nhưng một thực tế “đau đầu” khác tại Nhật Bản là tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử đang gia tăng ở mức cao nhất trong 30 năm. Tính riêng trong năm 2018, có 543 thanh niên Nhật Bản dưới 19 tuổi đã tự tử. Từ năm 2017, Nhật Bản đã tập trung vào kế hoạch ngăn chặn thanh thiếu niên tự tử, triển khai cố vấn đến các trường học, thậm chí từ bậc tiểu học.
Bộ Giáo dục Nhật Bản còn hướng tới tạo động lực cho học sinh tiểu học qua truyện tranh, đánh giá cảm xúc của các em, giảng dạy phương pháp giảm căng thẳng và khuyến khích các em chủ động tìm kiếm giúp đỡ khi cần thiết.
Một người dân Akita chia sẻ: “Nếu chúng ta dạy trẻ em về việc tìm kiếm sự giúp đỡ, khi trưởng thành chúng sẽ cởi mở hơn với điều này. Nuôi dạy những đứa trẻ như vậy sẽ giúp giảm thiểu trường hợp tự tử trong tương lai”.