Sau đó, những đứa trẻ lại bị đưa vào nhà tù dành cho phụ nữ nơi chúng sống trong hơn 1 năm rưỡi qua. Chúng gầy gò, ngủ chập chờn trên thảm mỏng ở phòng giam đông người, buồn chán, đói và hay ốm.
Trong số những đứa trẻ đang sống lay lắt này có cậu bé Obaida (2 tuổi), con của bà mẹ người Chechnya Laila Gazieva. Cô Gazieva bị bắt vào cuối năm 2017 khi đang trốn chạy khỏi hang ổ của IS tại Tal Afar miền Bắc Iraq. Gazieva bị kết tội tù chung thân vì là thành viên của IS.
Obaida ở với mẹ trong nhà tù dành cho phụ nữ ở Baghdad. Khoảng 1.100 trẻ em là con cái của thành viên IS hiện đang “mắc kẹt” trong vòng xoáy tư pháp của Iraq. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết có khoảng 7 em nhỏ đã tử vong trong tù do tình trạng thiếu thốn nơi đây, rất nhiều đứa trẻ khả cũng đang đối mặt với tình trạng nguy hiểm.
Chính phủ Iraq đã từ chối bình luận về tình hình của những phụ nữ và trẻ nhỏ người nước ngoài đang bị giam tại quốc gia này hoặc vấn đề liên quan đến tình trạng nhà giam. Iraq từng khẳng định muốn giúp đỡ những người không phạm tội có thể quay trở về quê hương.
Cô gái Đức mới 20 tuổi Nadia Rainer Hermann đang nhận bản án tù chung thân do gia nhập IS đã chia sẻ với Reuters rằng con gái 2 tuổi của cô phải trải qua nhiều ngày trên thảm ẩm mốc tại phòng giam chật chội. Nadia Rainer Hermann cho biết: “Ngày nào tôi cũng sợ rằng con gái mình có thể sẽ ốm rồi không qua khỏi”.
Dựa theo tài liệu từ Tòa án Hình sự Trung tâm Rusafa, Gazieva là một trong 494 phụ nữ nước ngoài bị kết án tính từ cuối 2017 đến tháng 8/2018 vì liên quan tới IS.
Trong cuộc chiến giành lại Mosul, lực lượng an ninh Iraq đã phát hiện khoảng 90 đứa trẻ nước ngoài lang thang một mình hoặc được người lạ chăm sóc. Đa phần trong số này được xác nhận danh tính và gửi trả về quê hương nhưng một số trẻ khác lại quá nhỏ hoặc không thể xác định được gốc gác nên trở thành trẻ mồ côi mắc kẹt ở Baghdad.
Tháng 9/2017, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết chính phủ của ông đã liên lạc với các quốc gia có trẻ nhỏ là con của phiến quân IS để tìm cách đưa trả các em về với quê hương. Nhưng đến tháng 1/2018, mọi hoạt động hồi hương của trẻ em bị ngưng lại.
Theo luật của Iraq, trẻ em hơn 9 tuổi đã đủ nhận trách nhiệm hình sự. Do vậy, tại tòa án vị thành niên, những đứa trẻ nước ngoài là con của phiến quân IS có thể phải đối mặt với các cáo trạng: xâm nhập trái phép lãnh thổ Iraq (tối đa 1 năm giam giữ), thành viên của IS (5-7 năm tù) và hỗ trợ IS thực hiện hành vi khủng bố (15 năm tù).
Khoảng 185 em từ 9-18 tuổi đã bị kết án và nhận mức từ vài tháng tới 15 năm tại trung tâm giáo dưỡng ở Baghdad. Trong đó có 77 em gái.
Trẻ em gốc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm phần đông trong những em bị giữ tại các cơ sở ở Iraq. Các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với Reuters rằng họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các em, đồng thời cung cấp thuốc men hỗ trợ. Công tác đưa những công dân nhí Thổ Nhĩ Kỳ này trở về quê hương cũng đã được khởi động song chưa có nhiều tiến triển thật sự.
Một số chính phủ vẫn chần chừ trong việc đưa phụ nữ và trẻ nhỏ liên quan đến IS hồi hương. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Baghdad chia sẻ: “Đó là vấn đề nhạy cảm với phản ứng của công chúng”.
Những đứa trẻ này là nạn nhân bị lãng quên của IS, bị chính cha mẹ đưa tới vùng chiến sự, từ 4 tuổi đã bị truyền bá tư tưởng thánh chiến cực đoan. Trong nhiều hoàn cảnh, chính quốc gia quê hương còn bỏ rơi những đứa trẻ này khi cho rằng chúng là mối đe dọa tiềm tàng.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lụi tàn nhưng dư âm của cuộc chiến này sẽ còn kéo dài, với những hệ lụy mà có thể các nước phải mất nhiều năm mới giải quyết được. Đó chính là số phận vô định của những đứa trẻ vô tội, con của các phiến quân IS.