Kết thúc vụ xét xử Đoàn Thị Hương
Sáng 1/4, Thẩm phán Azmi Ariffin của Tòa Thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor (Malaysia) đã tuyên mức án 3 năm và 4 tháng tù giam đối với công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Trong vụ công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại năm 2017 tại Malaysia, bị cáo Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tội danh gây thương tích bằng "các phương tiện nguy hiểm", thay vì tội danh "giết người".
Hisyam Teh Poh Teik, luật sư trong nhóm hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương, cho biết bị cáo sẽ được giảm 1/3 thời gian thi hành án theo qui định của luật pháp Malaysia. Bị cáo Đoàn Thị Hương bị bắt giữ ngày 15/2/2017, do đó cô sẽ được phóng thích vào ngày 4/5.
Ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thực hiện mọi biện pháp để bảo hộ công dân, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, đảm bảo việc xét xử công bằng, khách quan.
Phát biểu sau khi tòa tuyên án, Đoàn Thị Hương đã gửi lời cảm ơn tới tòa, tới Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia cũng như giới báo chí đã dành sự quan tâm.
Các luật sư của Đoàn Thị Hương cũng bày tỏ vui mừng với phán quyết của tòa, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan Việt Nam như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa án Malaysia đối với công dân Đoàn Thị Hương, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 1/4 nêu rõ: “Ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp bảo hộ công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và sớm được trả tự do”.
Có thể nói vụ án Tòa án Malaysia xét xử công dân Đoàn Thị Hương đã khép lại. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiến hành các biện pháp cần thiết để đưa công dân Đoàn Thị Hương về nước an toàn.
Bầu cử Ukraine: Bất ngờ mang tên Zelensky
Ngày 31/3, đông đảo cử tri Ukraine đã đến các điểm bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới ở nước này. Cuộc bầu cử lần này có số lượng ứng cử viên tham gia cao kỷ lục lên tới 39 người.
Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Ukraine sáng 2/4 thông báo nước này sẽ tổ chức vòng 2 bầu cử tổng thống do không có ứng cử viên nào giành được đủ 50% số phiếu ủng hộ để đảm bảo chiến thắng ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Vòng 2 cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 21/4 tới với 2 ứng cử viên giành số phiếu ủng hộ cao nhất ở vòng 1: Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko và danh hài Volodymyr Zelensky, lãnh đạo đảng "Người phục vụ nhân dân". Theo kết quả sơ bộ công bố ngày 4/4, ông Zelensky giành được số phiếu ủng hộ nhiều gấp đôi, 30,24%, so với 15,95% của Tổng thống Poroshenko.
Để vận động cho vòng 2 cuộc bầu cử, Tổng thống Poroshenko ngày 4/4 nhất trí tham gia tranh luận trực tiếp với đối thủ Zelensky tại sân vận động lớn nhất đất nước trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 sẽ diễn ra.
Theo AFP, ông Poroshenko là người ban đầu gợi ý về cuộc tranh luận trực tiếp trước thềm vòng 2.
Nhà lãnh đạo Ukraine mong muốn đối thoại trực tiếp với đối thủ chính trị của mình để tạo một cơ hội chứng tỏ các kỹ năng tranh luận. Ứng viên Zelensky cũng đưa ra một số yêu cầu, trong đó có việc hai người đều phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế để chứng tỏ mình không lạm dụng cồn hay ma túy.
Volodymyr Zelensky là một chính khách mới nổi trên chính trường Ukraine, nhận được nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ. Người dẫn chương trình này nổi danh trong ngành truyền thông giải trí, nhất là qua loạt chương trình “Serviteur du peuple” (Người phục vụ nhân dân) và được đánh giá là chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị. Tuy nhiên, vì không ở trong giới quyền lực, Zelensky trở thành hiện thân của một hy vọng mới lạ.
Trong một diễn biến liên quan, khi được hỏi về chính sách đối ngoại Ukraine có thay đổi khi có một nhà lãnh đạo đất nước mới, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin khẳng định mục tiêu ưu tiên của nước này vẫn tập trung với đường lối hướng tới Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho dù là ai đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ukraine còn nhấn mạnh công chúng Ukraine sẽ không bao giờ cho phép quốc gia này chuyển hướng sang Nga. “Tôi chắc chắn rằng sẽ không có một sự chuyển hướng đột ngột nào, dù rẽ trái hay rẽ phải, trong chính sách đối ngoại. Xã hội Ukraine không cho phép điều đó xảy ra”.
Kể từ ngày 1/4, Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt do phía Ukraine không muốn gia hạn. Với việc Hiệp ước này chính thức hết hiệu lực, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới.