NATO 4.0
Theo Đô đốc về hưu James Stavridis, từng là Tổng tư lệnh tối cao liên quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nếu coi NATO là một chương trình máy tính, thì NATO 1.0 là thời Chiến tranh Lạnh. NATO 2.0 là thời kỳ thực hiện các chiến dịch chống khủng bố diện rộng ở Afghanistan, Iraq và Libya sau sự kiện 11/9/2001. NATO 3.0 tập trung vào đối phó với Nga liên quan tới các sự kiện ở Moldova, Georgia và Ukraine.
Đô đốc Stavridis cho rằng NATO 4.0 trong 10 năm tới sẽ tiếp tục đối phó với Nga nhưng sẽ tập trung vào biên giới của liên minh ở khu vực High North (Bắc Cực). Trong thời gian đó, NATO sẽ cần có an ninh mạng và năng lực tấn công trên không gian mạng tốt hơn. NATO sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp cũng như đối phó với sự di chuyển của các nhóm khủng bố từ phía Nam.
Có thể NATO sẽ có thêm một hoặc hai thành viên mới (Georgia, Thụy Điển hoặc Phần Lan), nhưng nhìn chung liên minh sẽ có quy mô và thành phần không mấy khác hiện nay.
Thách thức lâu dài lớn nhất của NATO vấn đề Mỹ không còn hứng thú với việc đảm bảo an ninh cho châu Âu. Các thành viên sẽ chịu áp lực tăng ngân sách quốc phòng trong khi phải giải quyết nhu cầu xã hội và cơ sở hạ tầng trong nước.
Thích nghi với trật tự thế giới mới
Theo bà Nathalie Tocci, Cố vấn đặc biệt của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini, NATO tròn 70 tuổi vào thời điểm toàn cầu tái cơ cấu sâu rộng. Thời mà Mỹ làm siêu cường duy nhất, là trái tim của trật tự toàn cầu dường như không còn nữa. Thế giới bước vào tương lai đa cực hơn với nhiều cạnh tranh, xung đột và cả hợp tác. Để thích nghi, NATO phải thay đổi cơ bản trong thời gian tới.
Theo bà Tocci, nhiệm vụ cấp thiết nhất là rà soát lại “hợp đồng xã hội” của NATO Trong “hợp đồng” suốt 70 năm qua, Mỹ luôn gánh vác phần lớn gánh nặng quốc phòng ở châu Âu. Đổi lại, châu Âu chấp nhận theo đuổi chính sách đối ngoại phù hợp với Mỹ, ngay cả khi lợi ích của châu Âu không trùng với Mỹ, ví dụ như ở Trung Đông.
Trật tự tự do quốc tế đó chấm dứt có nghĩa là hợp tác xuyên Đại Tây Dương sẽ trở nên cần thiết hơn hiện nay. Để duy trình mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương lành mạnh, châu Âu sẽ phải nhận trách nhiệm lớn hơn về quốc phòng và Mỹ sẽ phải tôn trọng hơn yêu cầu tự chủ của châu Âu. Đó sẽ là con đường dài và gập ghềnh, nhưng cần thiết.
Cân bằng quan hệ đối tác
Theo ông Alexander Vershbow, Phó Tổng thư ký NATO, trong thời gian tới NATO có thể sẽ không mở rộng nữa, có khi chỉ kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển.
Ông Vershbow cho rằng NATO sẽ trở thành một quan hệ đối tác cân bằng thực chất hơn giữa Mỹ và châu Âu.
Trong khi Mỹ chuyển hướng sang đối phó với Trung Quốc, châu Âu sẽ cần đảm nhiệm trách nhiệm lớn hơn, trong đó có việc bảo vệ châu Âu khỏi các mối đe dọa.
Trong thập kỷ tới, châu Âu sẽ đặt ra tham vọng lớn hơn. Thách thức để đạt được tham vọng là thuyết phục công chúng rằng chi tiêu quốc phòng vẫn quan trọng. Hiện nay, nhiều nước ở sườn nam NATO như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Pháp vẫn lo lắng về những thách thức trước mắt như chủ nghĩa khủng bố và nhập cư bất hợp pháp.
Xem video về lực lượng NATO trước cuộc tập trận Trident Juncture (nguồn: AP):
NATO hiện có quan hệ đối tác với các nước phía Nam châu Âu thông qua Đối thoại Địa Trung Hải và Sáng kiến Hợp tác Istanbul.
Trong 10 năm tới, NATO sẽ phải coi trọng khu vực sườn Nam hơn, ở mức độ tương tương với khu vực sườn Đông (giáp Nga) như hiện nay.
Giải quyết những điểm yếu
Còn theo ông George Robertson, Tổng thư ký thứ 10 của NATO từ năm 1999 đến 2004, các thành viên của liên minh chính là thách thức lớn nhất của NATO trong tương lai. Ông nói: “Nếu chúng ta không coi trọng an toàn của chính chúng ta, chúng ta sẽ khiến những gì đạt được trong 70 năm qua lâm nguy”.
Theo ông, trong tương lai, NATO sẽ phải bảo vệ sức mạnh của khối trong bối cảnh thay đổi lớn về địa chính trị và sẽ phải trả giá nếu tự mãn.
Ngoài những điểm mạnh, NATO cũng có những điểm yếu và đối thủ biết cách khai thác. Xe tăng và tên lửa không thể bảo vệ khối trước những vụ can thiệp trên mạng hay các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng có mục tiêu.
Để đối phó với những thách thức này, NATO sẽ phải tập trung nhiều nguồn lực hơn để tăng cường thông tin tình báo. NATO sẽ phải cảnh giác hơn trong cung cấp thông tin, nâng cao ý thức cho người dân và đối phó với các mối nguy hại trên mạng để tăng cường bảo vệ các thể chế dân chủ.
Đầu tư vào vũ trụ và không gian mạng
Theo bà Julianne Smith, từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, NATO trong tương lai cần chú ý tăng cường năng lực trong các lĩnh vực mới, ví dụ như không gian mạng và vũ trụ.
NATO đã có những bước tiến lớn để đảm bảo trụ sở NATO và các sở chỉ huy được bảo vệ trước những mối đe dọa từ không gian mạng. Tuy nhiên, khi nhìn vào từng thành viên của NATO, vẫn còn quá nhiều nước tiếp tục thiếu năng lực tấn công và phòng vệ trên không gian mạng; còn quá ít thành viên thực hiện biện pháp để giảm nguy cơ bị tổn thương trước các cuộc tấn công.
Trong vấn đề vũ trụ, các thành viên NATO phụ thuộc nặng nề vào vệ tinh để thu thập thông tin tình báo, định hướng và giám sát các sứ mệnh của NATO ở những nơi như Afghanistan. Đối thủ của NATO biết điều đó và đang xây dựng vũ khí để nhằm vào các vệ tinh này.
Do đó, NATO cần một chính sách vũ trụ thế kỷ 21, trong đó thừa nhận tầm quan trọng của vũ trụ và vạch ra đường hướng để giảm bớt rủi ro dễ bị tổn thương.
NATO cũng cần xác định xem có nên đưa vũ trụ vào danh sách các mặt trận của khối hay không. Các mặt trận hiện nay có trên bộ, trên biển, trên không và trên mạng.
Đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc
Theo bà Sophia Besch, thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách châu Âu ở Berlin, nếu NATO muốn tồn tại trong thập kỷ tới, khối này phải thích nghi với hai xu hướng lớn đang định hình lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Xu hướng thứ nhất là lời hối thúc châu Âu tự chủ hơn về quân sự. Mỹ muốn châu Âu tự bảo vệ bản thân, tự đầu tư vào năng lực quốc phòng và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Xu hướng thứ hai là mối bận tâm ngày càng nhiều của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc – một đối thủ về quân sự, chính trị và kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng 2 từng cảnh báo Mỹ sẽ khó khăn hơn trong hợp tác cùng những đồng minh châu Âu đã mua thiết bị viễn thông của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Nếu châu Âu và Mỹ xung đột về cách đối phó với Trung Quốc, NATO sẽ là bên chịu trận. Liên minh này cần tích cực chống lại sự rạn nứt xuyên Đại Tây Dương bằng cách trở thành diễn đàn trao đổi chi tiết hơn về cách đối phó với những thách thức mới.