Đích thân ông Trump gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và không ít lần tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự này. Thực tế trên khiến vai trò và năng lực của NATO luôn bị đặt câu hỏi, buộc liên minh quân sự 70 tuổi phải nhìn nhận lại lý do tồn tại của mình trong một thế giới đang biến động không ngừng.
Cách đây 70 năm, ngày 4/4/1949, 12 nước, trong đó có 10 nước châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cùng Canada và Mỹ đã ký tại Washington Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đây được xem là ngày thành lập NATO.
Với liên kết quân sự giữa các quốc gia đồng minh phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, mục đích ban đầu của tổ chức là trở thành “đối trọng” nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng của Liên Xô.
Suốt 40 năm đầu tiên, NATO đóng vai trò là công cụ phục vụ cuộc Chiến tranh Lạnh của phương Tây và chịu sự chi phối rõ rệt của Mỹ. Sau khi khối Hiệp ước Vácsava và Liên Xô cũ tan rã, thay vì biến mất, NATO đã không ngừng mở rộng, dần chuyển đổi thành công cụ quân sự toàn cầu, đồng thời là phương tiện để Mỹ mở rộng ảnh hưởng và thể hiện sức mạnh.
Thông qua can dự quân sự trực tiếp, tổ chức này chính thức bị coi là nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh nóng: chiến dịch không kích Serbia năm 1999 và cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001. Lĩnh vực hoạt động của tổ chức đã đi từ Bắc Đại Tây Dương lan rộng ra toàn thế giới.
Nếu từ khi thành lập đến năm 1982, tổ chức này chỉ kết nạp thêm 4 thành viên, thì từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà «đối trọng » Liên Xô không còn, NATO lại bắt đầu chính sách mở rộng, sáp nhập ồ ạt các thành viên ở Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc.
Tổ chức này sau đó tăng lên 26 nước năm 2004, 28 vào năm 2009 và con số hiện nay đã là 29. Tất cả các đợt mở rộng đều tiến về sườn phía Đông của khối, kéo theo đó là việc tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới và bố trí quân đội tại các nước Đông Âu giáp biên giới Nga. Hành động đơn phương mở rộng của NATO sang sườn phía Đông đã làm nước Nga vô cùng bất bình, bởi Moskva coi đây là "sự bội ước và nuốt lời".
Theo nhiều tài liệu, tháng 2/1990, Ngoại trưởng Mỹ khi đó James Baker dưới thời chính quyền Tổng thống George H.W.Bush đã cam kết với phía Liên Xô rằng NATO sẽ "không tiến về phía Đông dù chỉ một inch". Cũng theo một thỏa thuận được NATO và Nga ký năm 1997, trên lãnh thổ các thành viên mới của NATO không được phép bố trí lực lượng chiến đấu dài hạn.
Tất cả những động thái của NATO, từ mở rộng sang phía Đông, thiết lập các cơ sở của Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại các nước Đông Âu, tăng cường hiện diện quân sự tại Baltic… đều bị Moskva coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia.
NATO và Nga luôn trong tình trạng hoài nghi và dè chừng nhau, và thực sự hai bên đã bước vào cuộc đối đầu mới thời “hậu Chiến tranh Lạnh”. Căng thẳng hai bên đặt an ninh toàn cầu trước nhiều rủi ro, nhất là châu Âu bị biến thành " thùng thuốc súng hạt nhân" mà mọi toan tính sai lầm hay nóng vội đều có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự, khi Nga và NATO hầu như sở hữu toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của thế giới.
Vài năm nay, cục diện thế giới có nhiều biến động, an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương trở nên phức tạp và khó lường trước những thách thức như chủ nghĩa khủng bố cực đoan hay tình trạng di cư từ Trung Đông-Bắc Phi.
Các nước NATO cũng bộc lộ quan điểm khác nhau về cái gọi là "mối đe dọa Nga". Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo một số nước Trung Âu luôn mô tả Nga là "đối thủ tiềm năng chính" trong chính sách an ninh của NATO, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Nga không phải kẻ thù của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có động thái "xích lại gần Nga". Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lại đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác: phòng thủ dựa trên sự răn đe và cởi mở đối thoại với Nga.
Mối bất hòa trong NATO còn nảy sinh ngay từ quy mô mở rộng của khối. Đông hơn không đồng nghĩa với mạnh hơn, sự chênh lệch về tiềm lực quân sự, vị thế của các thành viên cũng tạo ra nhiều bất cập, khiến khả năng chia sẻ trách nhiệm trong NATO không đồng đều. Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng các nước đồng minh NATO ở châu Âu đang "ăn bám" Mỹ.
"Cuộc chiến" giữa Mỹ và châu Âu về đóng góp chi tiêu quốc phòng càng làm "lộ sáng" những rạn nứt khó hàn gắn của liên minh Tổng thống Donald Trump luôn yêu cầu các đồng minh châu Âu phải chia sẻ gánh nặng tài chính, song trên thực tế, đóng góp của Mỹ cho NATO cũng không phải là áp đảo.
Nếu tính theo tỷ lệ sức mạnh của các nền kinh tế thì Mỹ đóng góp tương đương 22% cho ngân sách NATO, tiếp theo là Đức với 14% và Anh và Pháp cùng 10%. Giới phân tích cho rằng các chỉ trích mà ông Trump nhằm vào Đức thời gian qua khá vô lý và mục đích chính là gây sức ép buộc Berlin, một trong các đồng minh châu Âu có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, phải nhượng bộ về mặt kinh tế.
Khi mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu gia tăng, đến một thời điểm các đồng minh tại "lục địa già" phải tự quyết vấn đề an ninh của riêng mình. Hai đầu tàu Đức và Pháp đã xúc tiến thành lập một liên minh quân sự châu Âu, có khả năng trở thành một thế lực mạnh và độc lập so với Mỹ. Động thái trên phần nào cho thấy châu Âu đang mất lòng tin vào vai trò "người bảo vệ" của NATO, cũng khắc sâu thêm rạn nứt trong khối.
Với hoạt động chống khủng bố, các chiến dịch quân sự của NATO ở Afghanistan và Libya hiện tỏ ra không mấy hiệu quả, dù rất "hao tiền tốn của". Pháp và Đức đã bày tỏ mối quan ngại về tăng cường vai trò của NATO trong các chiến dịch triển khai quân tốn kém do Mỹ dẫn đầu, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria.
Sự đa dạng của các thách thức mà NATO cùng các quốc gia thành viên phải đối mặt đang vượt xa những cuộc khủng hoảng truyền thống trong quá khứ. Không chỉ các mối đe dọa từ bên ngoài, NATO đang đứng trước những nguy cơ ngay từ trong lòng xã hội phương Tây.
Các cuộc tấn công khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan được lên kế hoạch và thực hiện từ ngay bên trong các nước phương Tây. Sự khác biệt giữa các thành viên ngày càng trầm trọng khi các đảng dân tộc và dân túy, thậm chí là phân biệt chủng tộc, thắng cử ở một số quốc gia.
Không đạt được thống nhất trên nhiều lĩnh vực, "bối rối" trong vấn đề chính sách an ninh, không thể duy trì sự đoàn kết khi đối mặt với thách thức chung, hình ảnh NATO tuổi 70 tỏ ra đang suy yếu. Vô hình trung, NATO giờ đây bị biến thành công cụ cho một vài quốc gia sử dụng theo nhu cầu của riêng họ. Và điều này chính là nguyên nhân gây chia rẽ NATO.
Giới phân tích cho rằng thành công hay thất bại của NATO được đánh giá theo khả năng ứng phó với 3 thách thức lớn: sáng tạo và đổi mới mối quan hệ của NATO với nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump; tái lập quan hệ cân bằng với Nga, bằng cách thuyết phục và răn đe nhưng không đi tới mức lại rơi vào tình trạng Chiến tranh Lạnh; và xác định được vị trí trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, nghịch lý của NATO, là liên minh này đang bị tê liệt bởi chính những mâu thuẫn nội tại đúng vào thời điểm khối cần sức mạnh đoàn kết trong một thế giới ngày càng bất ổn và nguy hiểm hơn.