NATO tiếp tục cử tàu tới thăm cảng Ukraine ở Biển Đen

Ngày 1/4, cảng Odessa (Ukraine) xác nhận hai tàu của Nhóm hàng hải thường trực 2 (SNMG2) thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cập cảng Biển Đen này.

Theo thông báo trên trang web của cảng Odessa, tàu HMCS Toronto thuộc Hải quân Hoàng gia Canada và tàu ESPS Santa Maria thuộc Hải quân Tây Ban Nha đã đến cảng Ukraine sau khi tuần tra Biển Đen.

Chú thích ảnh
Tàu chiến của NATO ở Biển Đen. Nguồn ảnh: Ukrinform

Trong chuyến thăm này, thủy thủ đoàn của các tàu trên sẽ gặp gỡ các đại diện của Lực lượng Vũ trang Ukraine và chính quyền địa phương. Cả hai tàu sẽ được mở cửa cho khách tham quan trong vài giờ. Trước đó, ngày 28/3, hai tàu này và một số tàu khác của SNMG2 đã vào Biển Đen.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các tàu NATO sẽ tham gia tập trận chung với các tàu Hải quân Ukraine và Hải quân Gruzia trong chiến dịch mang tên Lá chắn Biển 2019 (Sea Shield 2019).

NATO và Ukraine nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong năm 2019 trong các lĩnh vực như huấn luyện quân nhân và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của NATO tại quốc gia Đông Âu này, trong đó có việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của NATO tại Ukraine, huấn luyện quân nhân và cải thiện an toàn các kho lưu trữ tên lửa và đạn dược.

Nhiều năm qua, Ukraine vẫn tìm cách gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên NATO trước năm 2020.

Trong khi đó, Biển Đen trở thành điểm nóng trong quan hệ Nga - Ukraine sau khi Moskva bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hồi tháng 11/2018.

Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một "sự cố biên giới". Hai bên cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này.

Chính quyền Ukraine đã kêu gọi NATO có hành động dứt khoát và mạnh mẽ đối với Nga, tuy nhiên các ngoại trưởng NATO nhóm họp sau đó tại Brussels (Bỉ) đã không đưa ra bất kỳ biện pháp mới nào để trợ giúp Ukraine do không muốn leo thang căng thẳng với Nga. Moskva cũng cho rằng việc Ukraine kêu gọi NATO giúp đỡ là hành động khiêu khích.

Lê Ánh (TTXVN)
Chấm dứt hiệu lực Hiệp ước hữu nghị Nga-Ukraine
Chấm dứt hiệu lực Hiệp ước hữu nghị Nga-Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, kể từ ngày 1/4, Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt hiệu lực do phía Ukraine không muốn gia hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN