Tuyên bố nêu rõ: "Hoàn cảnh khó khăn của những người phải đi sơ tán trong khu vực do cuộc tấn công càng tồi tệ hơn khi toàn bộ viện trợ nhân đạo đều bị cắt và tất cả các tổ chức quốc tế ngừng hoạt động". Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng hơn 275.000 người, trong đó có hơn 70.000 trẻ em, đã phải đi sơ tán vì chiến dịch này.
Trên thực địa, quân đội Chính phủ Syria đã triển khai vào thị trấn Manbij (miền Bắc), gần thị trấn Kobani vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu. Việc triển khai quân nói trên được tiến hành sau khi Damascus và chính quyền người Kurd đạt thỏa thuận tương hỗ.
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự tại Syria và "trở lại đúng hướng". Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: "Chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cần được tôn trọng và duy trì".
Tuy nhiên, trong phản ứng trái chiều, Ngoại trưởng Qatar Jassim Al-Thani đã lên tiếng bảo vệ đồng minh thân cận của mình khi nhận định rằng Ankara đã buộc phải đáp trả "mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ".
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu ở Doha, ông Al-Thani cho biết: "Chúng tôi không thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lại người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ đang chống một nhóm người (trong cộng đồng người) Kurd".
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch sẽ tiếp tục "cho đến khi đạt mục đích". Phát biểu trên truyền hình tại Baku, ông Erdogan cho biết: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng đảm bảo an ninh cho khu vực trải dài từ Manbij đến biên giới của chúng tôi với Iraq, và đảm bảo rằng một triệu người trong giai đoạn đầu và sau đó là hai triệu người tị nạn sẽ được trở về nhà theo ý nguyện của mình".
Trước đó, trong một bài xã luận đăng trên nhật báo Wall Street Journal (Mỹ), ông Erdogan cam kết sẽ không để bất cứ tay súng nào thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trốn khỏi miền Bắc Syria.
Đáp lại những lo ngại của các nước phương Tây về chiến dịch trên, ông Erdogan cho rằng các nước phương Tây đã lo lắng vô cớ rằng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các tay súng thánh chiến trốn thoát hàng loạt.
Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ đảm bảo không có tay súng IS nào trốn khỏi Đông Bắc Syria". Ông cũng cho biết thêm Ankara sẵn sàng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm giúp tái hòa nhập cho vợ và con của các tay súng khủng bố nước ngoài.