Mỹ tung đòn trừng phạt đầu tiên
Theo tờ Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/10 đã ký thông qua các biện pháp trừng phạt và tăng thuế đánh vào mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo đưa ra nhiều hình thức trừng phạt tài chính mạnh hơn nếu Ankara tiếp tục chiến dịch tấn công quân sự ở Đông Bắc Syria.
Các biện pháp mà Bộ Tài chính Mỹ áp đặt từ ngày 14/10 nhằm vào Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Năng lượng cũng như bản thân các bộ trưởng. Mỹ cảnh báo rằng bất kỳ ai hay doanh nghiệp nào làm ăn với các quan chức trên sẽ có nguy cơ bị liệt vào danh sách đen, ví dụ như các ngân hàng có thể mất quyền tiếp cận thị trường đồng USD. Tổng thống Trump cũng tăng thuế thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lên 50%.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ công bố danh sách những bên được miễn áp dụng lệnh trừng phạt để đảm bảo lệnh trừng phạt không làm gián đoạn nhu cầu năng lượng của toàn nước Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ cho phép các quan chức và nhà thầu thực hiện giao dịch kinh doanh cho Chính phủ Mỹ được làm việc với các quan chức và cơ quan nằm trong danh sách đen.
Tổng thống Trump nêu rõ trong một tuyên bố: "Sắc lệnh này cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nghiêm khắc nhằm vào những đối tượng bị cáo buộc liên quan tới các vụ lạm dụng nhân quyền, cản trở lệnh ngừng bắn, ngăn cản người dân trở về nhà, ép người tị nạn hồi hương, hay đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria".
Trước đó, Tổng thống Trump cũng khẳng định sẵn sàng nhanh chóng hủy hoại kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu các lãnh đạo nước này tiếp tục con đường nguy hiểm, tiêu cực ở Syria. Không chỉ chính quyền Tổng thống Trump, giới chức lập pháp Mỹ cũng đang xúc tiến soạn thảo các nghị quyết trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức Chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Trump cũng nói chuyện riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ lĩnh người Kurd Mazloun Abdi, đồng thời kêu gọi hai bên thương lượng chấm dứt bạo lực. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không cử phái đoàn tới Ankara nếu ông nghĩ rằng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối ngày 14/10 cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải ngừng ngay lập tức cuộc tấn công đơn phương ở Đông Bắc Syria và trở lại đàm phán với Mỹ về vấn đề an ninh trong khu vực để tránh bị trừng phạt thêm. Washington cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí tài chính mạnh nhất, ví dụ như cấm ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận thị trường Mỹ hay đồng USD, từ đó khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với khi bị áp dụng các biện pháp trừng phạt vừa công bố. Thậm chí, Tổng thống Trump còn cho biết Mỹ sẽ ngừng đàm phán về thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tung ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục rút lực lượng quân sự ra khỏi các căn cứ tiền tuyến ở Bắc Syria ngày 14/10 sau khi rút các nhà ngoại giao Mỹ đêm 13/10. Động thái rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump bị nhiều người ở Mỹ chỉ trích vì không khác nào dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd – lực lượng từng sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria mới đây.
Sức ép từ EU
Trong khi đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng có những động thái thể hiện sự phản đối cuộc xâm lược Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas chiều 12/10 thông báo: “Trong bối cảnh chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Liên bang Đức sẽ không cấp giấy phép mới bán các thiết bị quân sự có thể được Thổ Nhĩ Kỳ dùng ở Syria”.
Chỉ vài giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng ra thông báo tương tự và cho biết quyết định ngừng chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực ngay lập tức.
Trước Pháp và Đức, một loạt nước châu Âu như Hà Lan, Na Uy, Phần Lan và Cộng hòa Séc đã có động thái tương tự. Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí không chỉ liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả bất kỳ nước nào liên quan tới chiến dịch. Tây Ban Nha và Italy chưa đưa ra quyết định cấm xuất khẩu vũ khí nhưng các lãnh đạo EU sẽ họp thượng đỉnh ở Brussels ngày 17-18/10 để thảo luận cấm vận vũ khí toàn khối với Ankara.
Chiến dịch tấn công người Kurd không được thế giới ủng hộ cho dù Thổ Nhĩ Kỳ lý luận rằng chiến dịch sẽ giúp thiết lập vùng an toàn dọc biên giới để 3 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể tái định cư. Các nước phương Tây, Mỹ và Australia đều cảnh báo những hậu quả nguy hiểm từ chiến dịch: khủng bố trỗi dậy, thảm họa nhân đạo, tội ác chiến tranh…
Theo CNN, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép từ mọi phía, ông Aykan Erdemir, thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ lại cho rằng các lời cảnh báo cũng như lệnh trừng phạt của các nước có thể không làm chùn bước Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Ông Erdemir cho rằng Tổng thống Erdogan có thể coi việc Mỹ hoãn đàm phán thỏa thuận thương mại 100 tỷ USD là cái giá có thể chấp nhận được. Với ông Erdogan, nếu các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra là nhằm thỏa mãn lời kêu gọi của dư luận Mỹ thì ông sẽ chấp nhận “đấu” đến cùng.
Theo ông Erdemir, thậm chí các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế, thương mại mà Mỹ đưa ra lại còn có thể bị Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng. Hiện giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt sức ép và sự tức giận của người dân khi nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Trump tuyên bố “hủy diệt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ” không khác nào cho lãnh đạo nước này một lối thoát khi có thể đổ lỗi rằng chính Mỹ làm cho nền kinh tế suy yếu.