Cụ thể, theo hãng tin AFP, Unilever ngày 25/6 thông báo sẽ ngưng sử dụng từ “Trắng” trong tên gọi sản phẩm dưỡng da 45 năm tuổi sau khi thương hiệu “cam kết tôn vinh mọi tông da”.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng nổ toàn cầu sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd.
Ước mong sở hữu một làn da trắng đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người, đặc biệt là phái đẹp ở châu Á. Tại một số thành phố, rất khó để có thể tìm ra một loại mỹ phẩm không chứa thành phần làm trắng. Mỗi năm, sản phẩm “Fair & Lovely” đem lại 500 triệu USD doanh thu cho hãng Unilever.
Ở các quốc gia Nam Á, làn da có tông trắng sáng hơn được cho là thể hiện tầng lớp trên trong xã hội.
“Chúng tôi muốn bộ sản phẩm chăm sóc da toàn diện hơn và tôn vinh vẻ đẹp đa dạng hơn”, Sanjiv Mehta, người đứng đầu văn phòng Unilever tại Ấn Độ, cho hay.
Một vài công ty, trong đó có tập đoàn L’Oreal của Pháp – gần đây đã bị chỉ trích về các sản phẩm làm trắng da sau khi phong trào Black Lives Matter (Coi trọng Mạng sống Người da màu) bùng nổ.
Tuần trước, công ty dược phẩm Johnson & Johnson thông báo ngừng bán các sản phẩm Neutrogena và Clean & Clear được quảng cáo là trị vết thâm lưu hành tại thị trường châu Á và Trung Đông. Theo Euromonitor International, tính riêng trong năm 2019 đã có 6.300 tấn sản phẩm làm trắng da được bán trên toàn thế giới.
Unilever cho biết tên sản phẩm mới sẽ thông báo trong hai tháng tới. Hãng tin lớn nhất Ấn Độ PTI đưa tin Hindustan Unilever bắt đầu quy trình đổi tên sản phẩm thành “Glow & Lovely” (Căng bóng & Đáng yêu).
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, nữ diễn viên Bollywood Nandita Das nhấn quyết định của Unilever là một bước đi đúng đắn và tạo ra một cách nhìn mới về vẻ đẹp, màu da tại Ấn Độ.