UNCTAD quan ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 4/4 ra thông báo đánh giá về nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang sau khi Mỹ công bố kế hoạch thuế quan mới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông báo, trong khi các nền kinh tế lớn chuẩn bị áp dụng mức thuế quan mới, UNCTAD nhận thấy hệ thống thương mại toàn cầu đang bước vào giai đoạn quan trọng, đe dọa đến tăng trưởng, đầu tư và tiến trình phát triển, đặc biệt là đối với các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất. Tổng giám đốc UNCTAD Rebeca Grynspan bình luận: “Điều này gây tổn thương cho những người dễ bị tổn thương và người nghèo. Thương mại không được trở thành nguồn bất ổn khác. Nó phải phục vụ cho sự phát triển và tăng trưởng toàn cầu”.

UNCTAD cũng cho rằng việc không thể đoán trước cùng với bất ổn trong thương mại và đầu tư đang trở thành rào cản nghiêm trọng đối với tăng trưởng và lập kế hoạch của các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt, các quốc gia dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chỉ 10 trong gần 200 đối tác thương mại của Mỹ chiếm gần 90% thâm hụt thương mại của nước này. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, chỉ chịu trách nhiệm cho 1,6% và 0,4% thâm hụt tương ứng, đang bị ảnh hưởng. Theo UNCTAD, những nước này không giúp cân bằng thâm hụt thương mại cũng như không tạo ra doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế thu nhập thấp hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các điều kiện bên ngoài ngày càng tồi tệ, mức nợ không bền vững và tăng trưởng trong nước chậm lại. Do đó, đã đến lúc đối thoại, không phải leo thang căng thẳng.

Mặc dù nhu cầu cải cách thương mại là rõ ràng, nhưng UNCTAD nhấn mạnh rằng giải pháp phải thông qua đối thoại và đàm phán. Mất cân bằng thương mại, lợi ích tập trung và các quy tắc lỗi thời phải được giải quyết. Bà Grynspan nhấn mạnh: “Đây là thời điểm hợp tác, không phải leo thang. Các quy tắc thương mại toàn cầu phải phát triển để phản ánh những thách thức hiện nay, nhưng chúng phải được xây dựng với khả năng dự đoán và phát triển làm cốt lõi, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”.

UNCTAD kêu gọi những người ra quyết định khẩn trương xem xét lại thuế quan áp dụng đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, vì các biện pháp này có thể gây ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người.

Anh Hiển (TTXVN)
Các nước phản ứng trái chiều với chính sách thuế của Tổng thống Trump
Các nước phản ứng trái chiều với chính sách thuế của Tổng thống Trump

Chiều 2/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan đối xứng cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Một động thái dường như được nhiều nhà kinh tế đánh giá là “hiện thực” hơn nữa một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN