Tờ Kiev Independent (Ukraine) dẫn lời Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Ukraine, ông Ruslan Strelets thông báo rằng, nước này đã chấm dứt tranh chấp kéo dài 20 năm với Romania về việc đáp ứng các yêu cầu trong quá trình xây dựng kênh Danube-Biển Đen.
Theo Bộ trưởng Strilets, giải pháp cho tranh chấp đã đạt được tại cuộc họp lần thứ 9 của Công ước về Đánh giá tác động môi trường trong bối cảnh xuyên biên giới (Công ước Espoo) ở Geneva.
Quan chức Ukraine trên nêu rõ: “Chúng tôi đã vượt qua một hành trình dài để điều chỉnh dự án phù hợp với các yêu cầu của Công ước. Ukraine coi trọng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi mong muốn và có thể tìm ra tiếng nói chung để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ".
Bô trưởng Strilets cũng cảm ơn người đồng cấp Romania, Mircea Fechet, vì những nỗ lực để đạt được quyết định lịch sử này và Bộ trưởng Môi trường Moldova Iordanca Iordanov đã chủ trì cuộc họp.
Về phần mình, Bộ trưởng Fecet hoan nghênh quyết định mới trên giữa hai bên, nhấn mạnh: “Đây là một bước tiến lớn về vấn đề kênh đào. Thực tế là Ukraine không chỉ hiểu rằng họ phải tuân thủ tất cả các nghĩa vụ của châu Âu đối với một dự án như vậy mà còn có thể thực hiện được điều này. Cảm ơn phía Ukraine vì đã thông qua và thực hiện các quy định đảm bảo việc bảo vệ đồng bằng sông Danube".
Ông Fechet cho biết thêm các bên sẽ tiếp tục đối thoại để ủng hộ Ukraine, tôn trọng lợi ích chiến lược của Romania và các tiêu chuẩn môi trường của châu Âu.
Tranh cãi trên đã diễn ra từ năm 2004, khi Ukraine bắt đầu xây dựng kênh đào qua các nhánh của đồng bằng sông Danube là Chilia, Old Istambul và Bystre, dọc theo tuyến đường thủy gần như trùng với biên giới Romania - Ukraine.
Dự án đã vấp phải sự chỉ trích từ Romania và Ủy ban châu Âu với lý do thiếu đánh giá tác động môi trường. Ở Romania, nước này cho rằng việc xây dựng sẽ khiến mực nước sông Danube dâng cao và thực sự có thể phá hủy toàn bộ vùng đồng bằng sông, vốn là cơ sở cho hoạt động kinh tế của một số cảng lớn ở Romania.
Năm 2005, theo sắc lệnh của Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yushchenko, công trình xây dựng đã bị đình chỉ để thực hiện các cuộc kiểm tra cần thiết. Sau khi hoàn thành, một ủy ban của Bộ Bảo vệ Môi trường Ukraine cho rằng con kênh không gây hại cho thiên nhiên. Phía Ukraine sau đó tuyên bố quan điểm của họ đã được xác nhận bởi các chuyên gia quốc tế đến thăm công trường.
Tuy nhiên, tranh cãi vẫn tiếp tục khi Ukraine cũng đưa ra các yêu sách phản đối Romania liên quan đến các dự án của Bucharest ở đồng bằng sông Danube. Vòng căng thẳng gần đây nhất diễn ra vào tháng 2/2023, khi Ukraine lại bắt đầu công việc đào sâu đáy kênh để tàu của nước này có thể đi lại dọc theo sông Danube và Biển Đen. Romania sau đó kêu gọi dừng ngay lập tức các hoạt động có thể phá hủy hệ sinh thái sông Danube.
Vào tháng 9 năm nay, Romania tuyên bố rằng những nỗ lực của Ukraine nhằm đào sâu kênh Danube gần thị trấn Bystroe sẽ bị coi là “vượt qua ranh giới đỏ”.
Thực tế là Ukraine đã tìm cách phát triển khả năng tiếp cận Biển Đen thông qua Đồng bằng sông Danube, bỏ qua lãnh hải Romania. Theo các chuyên gia, việc thực hiện thành công ý tưởng này sẽ khiến Romania mất đi nguồn thu nhập đáng kể. Nhà kinh tế Ivan Lizan nhận định: “Kế hoạch đào sâu kênh đào của Ukraine sẽ làm giảm nghiêm trọng thu nhập của Romania từ việc vận chuyển tàu dọc sông Danube”.