Theo tờ báo trên, sự tồn tại của đất nước Ukraine phụ thuộc phần lớn vào mạng lưới vệ tinh của ông Musk, bởi Starlink đóng vai trò rất quan trọng đối với lực lượng vũ trang Ukraine. El Pais viết rằng nếu dịch vụ Starlink ngừng hoạt động, hệ thống phòng thủ của Ukraine có thể sụp đổ. Và do đó, Kiev đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Dù vậy, El Pais nêu rõ rằng chính quyền Ukraine cũng thừa nhận họ không thể từ bỏ công nghệ của Elon Musk. Kiev hy vọng Washington sẽ đảm bảo rằng nhà cung cấp hệ thống Starlink, SpaceX, sẽ không cắt đứt dịch vụ tại Ukraine.
Ngày 10/9, ông Kirill Budanov, người đứng đầu Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng hệ thống Starlink trên toàn bộ tiền tuyến. Quan chức này xác nhận rằng dịch vụ vệ tinh trên đã không hoạt động gần bán đảo Crimea trong một khoảng thời gian nhất định.
Trước đó, ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trả lời câu hỏi liệu doanh nhân Elon Musk có thực sự từ chối kích hoạt dịch vụ vệ tinh Starlink ở Crimea vào năm 2022 theo yêu cầu của chính quyền Ukraine hay không. Về phần mình, ông chủ SpaceX giải thích đã từ chối yêu cầu kích hoạt Starlink của Kiev.
Theo doanh nhân này, nếu Kiev sử dụng dịch vụ Starlink để tấn công vào Crimea thì nó sẽ vi phạm thỏa thuận người dùng của công ty, cũng như thổi bùng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Kể từ tháng 2/2022, SpaceX đã tặng hơn 20.000 thiết bị vệ tinh Starlink cho Kiev, với mục đích cung cấp khả năng truy cập Internet và liên lạc dân sự. Tuy nhiên, các hệ thống này gần như được vũ khí hóa ngay lập tức, dẫn đến việc ông Musk phải giải trình với cả Moskva và Washington.